Trump phản bác vụ luận tội
Hai điều khoản luận tội của Hạ viện sẽ tạo tiền đề cho một phiên tòa vào tháng tới tại Thượng viện - do đảng Cộng hoa của Tổng thống Trump kiểm soát, về việc có nên kết án và truất quyền nhà lãnh đạo hay không.
Ngay sau cuộc bỏ phiếu, ông Trump đã bác bỏ các hành vi sai trái và gọi cuộc điều tra luận tội mình do đảng Dân chủ khởi xướng vào tháng 9 là "một cuộc săn phù thủy".
Phát biểu trước đám đông ở Battle Creek, bang Michigan, Tổng thốngTrump nói rằng việc "luận tội sẽ là một dấu hiệu xấu hổ của phe Dân chủ và Chủ tịch Hạ viện Pelosi".
"Hành vi luận tội bất hợp pháp, mang nặng tính đảng phái là một vụ tự sát chính trị cho đảng Dân chủ. Họ mới chính là những người nên bị luận tội, tất cả bọn họ", ông Trump nhấn mạnh.
Trong suốt lịch sử 243 năm của Mỹ, chưa có Tổng thống nào bị cách chức sau quá trình luận tội. Để điều này thành hiện thực, cần có sự ủng hộ của 2/3 thành viên của Thượng viện, nghĩa là ít nhất phải có 20 Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa phải đứng về phe đảng Dân chủ.
Lãnh đạo đa số Thượng viện Mỹ Mitch McConnell dự đoán sẽ không có khả năng Tổng thống Trump bị "đá" khỏi Nhà Trắng nếu tổ chức phiên tòa.
Trump đang trải qua một năm 2019 đầy biến động do liên tục bị phe đối lập công kích. |
Ông Donald Trump, 73 tuổi, bị cáo buộc lạm dụng quyền lực của mình bằng cách gây áp lực với chính phủ Ukraine để điều tra đối thủ chính trị Joe Biden - ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2020, cũng như điều tra về sự thông đồng giữa đảng Dân chủ và Ukraine về việc can dự vào cuộc bầu cử năm 2016.
Đảng Dân chủ cáo buộc ông Trump đã "đóng băng" 391 triệu USD tiền viện trợ quân sự cho Ukraine và hứa hẹn về một cuộc gặp mặt tại Nhà Trắng với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy để buộc chính quyền Kiev điều tra các sai phạm của cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và con trai Hunter Biden.
Điều khoản luận tội thứ hai cáo buộc ông Trump cản trở Quốc hội bằng cách chỉ đạo các quan chức chính quyền và các cơ quan không tuân thủ các yêu cầu hợp pháp của Hạ viện để lấy lời khai và các tài liệu liên quan đến quá trình luận tội.
Ngay trước khi Tổng thống Trumpbình luận về kết quả của cuộc bỏ phiếu luận tội, Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố rằng ông Trump tin Thượng viện sẽ không luận tội mình và sẽ "khôi phục trật tự thường xuyên, công bằng và đúng quy trình, những yếu tố đã bị bỏ qua trong quá trình tố tụng của Hạ viện".
"Tổng thống tự tin rằng Thượng viện sẽ khôi phục trật tự thường xuyên, công bằng và đúng thủ tục, tất cả những yếu tố đã bị bỏ qua trong quá trình tố tụng của Hạ viện. Ông ấy đã chuẩn bị cho các bước tiếp theo và tự tin rằng mình sẽ được miễn tội hoàn toàn. Tổng thống Trump sẽ tiếp tục làm việc không mệt mỏi để giải quyết các nhu cầu và ưu tiên của người dân Mỹ, như lúc ông lên nhậm chức", phía Nhà Trắng đưa ra quan điểm chính thức.
Sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ
Chiến thắng của ông Trump vào năm 2016 đã phân cực nước Mỹ, không ít gia đình đã có tranh cãi về kết quả của cuộc bầu cử.
Ngoài ra, các chính trị gia ở Washington cũng gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của các chính trị gia theo đường lối trung dung trong các quyết sách liên quan tới vấn đề Trung Quốc hay môi trường.
Cuộc bỏ phiếu luận tội diễn ra trước chiến dịch tái tranh cử của Trump và càng làm cuộc đối đầu giữa nhà lãnh đạo phe Cộng hòa với các ứng viên đảng Dân chủ thêm phần căng thẳng và "nảy lửa".
"Tổng thống Trump đã lạm dụng quyền lực của mình, vi phạm lời tuyên thệ và phản bội quốc gia của chúng ta", ứng viên Joe Biden nói trên Twitter. "Không ai được xếp trên luật pháp nước Mỹ, ngay cả là Tổng thống".
Các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy rằng trong khi hầu hết các thành viên đảng Dân chủ muốn thấy ông Trump bị luận tội, thì hầu hết các đảng viên Cộng hòa lại không hề muốn vậy.
Luận tội là một phương thức được các cá nhân sáng lập nước Mỹ nghĩ ra, cho phép Quốc hội "loại bỏ một Tổng thống vi phạm các tội ác".
Ba Tổng thống Mỹ từng bị Hạ viện luận tội (từ trái qua phải): Andrew Johnson, Bill Clinton và Donald Trump. |
Chỉ có hai Tổng thống trong lịch sử nước Mỹ bị đưa ra luận tội. Lần gần đây nhất, Hạ viện Mỹ năm 1998 đã luận tội cựu Tổng thống Bill Clinton về các tội khai man và cản trở công lý phát sinh từ mối quan hệ "ngoài luồng" với một thực tập sinh Nhà Trắng, nhưng sau đó Thượng viện Mỹ đã tha bổng ông Clinton. Trước đó vào năm 1868, Hạ viện đã luận tội cựu Tổng thống Andrew Johnson do quyết định loại bỏ Bộ trưởng Chiến tranh, tuy nhiên ông Johnson vẫn "sống sót" nhờ một phiếu bầu tại Thượng viện.
Năm 1974, cựu Tổng thống Richard Nixon đã phải từ chức sau khi Ủy ban Tư pháp Hạ viện mới chỉ phê chuẩn các điều khoản luận tội trong vụ bê bối Watergate đầy tai tiếng, ngay trước khi Hạ viện thông qua chúng.