Ở tuổi 25, Hashimoto đã quyết định biến ước mơ nông trại thành sự thật sớm hàng chục năm, cô chọn cách bỏ phố về quê..
Vào tháng 4, cô chuyển đến Minami-Aso, một ngôi làng có khoảng 11.000 dân ở miền Nam Nhật Bản và hiện đang làm nhiều công việc khác nhau: làm nông, giúp phân phối nguyên liệu địa phương cho các nhà hàng gần đó, làm việc tại một cửa hàng súp miso và một spa suối nước nóng.
“Cuộc sống của tôi bây giờ hoàn toàn khác,” Hashimoto nói. “Tôi không thể tưởng tượng bản thân sẽ sống tiếp ở Tokyo như thế nào. Tôi thích cuộc sống gần thiên nhiên như ở đây, tôi cảm thấy khỏe mạnh hơn và tràn đầy sức sống.”
Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhiều người cân nhắc lại các lựa chọn sống. Nhưng ở Nhật Bản, nơi mà nền văn hóa làm việc cứng nhắc không khuyến khích con người chọn cách sống khác, đại dịch đã mang đến cơ hội hiếm có để họ hiện thực hóa những mong ước cá nhân.
Ở Tokyo và các khu vực lân cận, ngày càng có nhiều người trẻ ở độ tuổi 20-30 chọn cách rời khỏi cuộc sống công sở, theo một cuộc khảo sát về tác động của đại dịch vào tháng 11.
Những người lao động trẻ này đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho đời sống công sở ở Tokyo, vốn bó buộc nhân viên làm việc cật lực từ sáng đến tối, sau đó là nhậu nhẹt cùng cấp trên tới đêm muộn.
Theo khảo sát, khoảng 1/3 số người trong độ tuổi 20 và 30 ở Tokyo cho biết họ đã sớm chuẩn bị cho một cuộc sống ở vùng nông thôn Nhật Bản, nơi dân số đang thu hẹp nhanh chóng với sự gia tăng của người già và tỷ lệ sinh giảm.
Trong những năm gần đây, các chính quyền địa phương và quốc gia đã và đang thúc đẩy các nỗ lực hồi sinh vùng nông thôn để thu hút cư dân trẻ hơn chuyển đến sinh sống và lập nghiệp, nhiều công ty được khuyến khích cho phép người lao động làm việc từ xa hoặc hỗ trợ chỗ ở cho nhân viên.
Thủ tướng Kishida Fumio đang tìm cách tăng cường những nỗ lực tái thiết nông thôn. Chính quyền Kishida dự định đầu tư vào các chương trình nhằm thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, một kế hoạch được ông Kishida đặt tên là “Tầm nhìn cho một quốc gia thành phố vườn kỹ thuật số”.
“Chính những khu vực ngoại ô các trung tâm đô thị lớn của chúng ta mới là ưu tiên hàng đầu,” ông Kishida nói trong một cuộc họp báo ngày 14/10, nhấn mạnh rằng "một cuộc chuyển đổi kỹ thuật số” sẽ giải quyết các vấn đề như suy giảm dân số ở các vùng nông thôn.
Ở một đất nước mà những người trẻ đang chạy trốn khỏi các vùng nông thôn để tìm kiếm cơ hội việc làm ở các thành phố lớn hơn, những người như Hashimoto Kana đang quyết định đi con đường ngược lại, bất chấp áp lực từ phía gia đình và xã hội.
Cha mẹ của Hashimoto đã rất sốc khi cô quyết định rời khỏi Tokyo. Họ đã cho con đi du học ở Canada với kỳ vọng rằng cô sẽ nối nghiệp làm bảo hiểm của cha mình.
Ngoài làm nông, Hashimoto Kana hiện đang làm việc tại một cửa hàng súp miso. Ảnh: Washington Post |
“Cha mẹ tôi thực sự phản đối ý tưởng, tôi đã phải đấu tranh rất nhiều với gia đình. Tôi nghĩ rằng việc làm nông chắc chắn không nằm trong kế hoạch ban đầu của cha mẹ tôi", Hashimoto giãi bày.
Suita Ayaka từng làm việc cho một công ty nhân sự ở Tokyo trước khi chuyển đến Tsuno-cho, một thị trấn có khoảng 10.000 dân thuộc tỉnh Miyazaki, miền Nam Nhật Bản. Hiện cô gái 30 tuổi này đang làm việc cho một công ty khởi nghiệp, nơi cô giáo dục học sinh về lối sống bền vững và làm việc theo các sáng kiến không carbon của thị trấn.
Cô từng muốn rời khỏi Tokyo từ lâu, nhưng chỉ khi đại dịch bùng phát mới khiến cô suy nghĩ nghiêm túc về dự định này.
Ở Tokyo, Suita cảm thấy thất vọng vì cô không được trao nhiều cơ hội để khẳng định bản thân. Nhưng hiện tại, Suita đang tham gia các dự án mới cho phép cô mở rộng các kỹ năng của mình.
“Ở Tokyo, người trẻ không dễ dàng được trao những cơ hội lớn trong sự nghiệp, nhưng ở các vùng nông thôn, bất kể độ tuổi nào cũng có rất nhiều cơ hội,” cô nói. “Trước khi đến đây, tôi đã từ bỏ những thứ mà tôi cho rằng mình không có khả năng, nhưng sau khi chuyển đến đây, tiềm năng của tôi đã thực sự mở rộng.”
Những người trẻ chuyển đến các vùng nông thôn thường là gặp khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ xã hội mới, do số lượng này hiện vẫn còn rất ít.
Sáu tháng đầu tiên là một giai đoạn khó khăn đối với Suita, cô đã nghĩ ra sáng kiến xây dựng các cộng đồng trực tuyến để kết nối những người trẻ mới chuyển tới vùng nông thôn sinh sống như mình.
Suita Ayaka quyết định bỏ công việc ở Tokyo để chuyển đến một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Miyazaki. Ảnh: Washington Post |
Nhiều tổ chức phi chính phủ hiện đang làm việc để giúp những người như Suita và Hashimoto thích ứng dễ dàng hơn với cuộc sống nông thôn.
Trong đại dịch, "Các nữ anh hùng vì Môi trường và Hỗ trợ Nông thôn" (HERS), một tổ chức phi chính phủ hoạt động nhằm giảm chênh lệch giới trong nông nghiệp, đã nhận được nhiều yêu cầu hỗ trợ từ những phụ nữ muốn rời Tokyo về các vùng nông thôn.
Bà Otsu Eri - giám đốc HERS, cho biết nhóm đã tăng cường các lớp học và hội thảo trực tuyến dành cho những phụ nữ muốn tìm hiểu cuộc sống, làm việc và nuôi dạy con cái ở vùng nông thôn. Ngoài ra, tổ chức sẽ tìm cách hỗ trợ những phụ nữ mới sống ở các vùng nông thôn và đang tìm kiếm một cộng đồng.
Trước đại dịch, tổ chức của Otsu đã nhận được những lời hỏi thăm từ những phụ nữ chán ngấy cuộc sống thành thị hoặc kiệt sức với nhu cầu vừa làm việc vừa nuôi con ở Tokyo và đang tìm kiếm một lối thoát.
Nhưng những câu hỏi mà bà nhận được kể từ khi đại dịch xảy ra thì tích cực hơn: Phụ nữ trẻ cảm thấy có động lực hơn để theo đuổi ước mơ ở các vùng nông thôn.
“Tôi nghĩ và hy vọng những giá trị mới này mà mọi người đạt được trong đại dịch sẽ tiếp tục", bà Otsu nói.