Thư ký báo chí Nhà Xanh cho biết Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã trao đổi thư từ với nhau hồi tháng 4 và đồng ý kết nối lại đường dây nóng.
"Hai nhà lãnh đạo đã tìm cách khôi phục quan hệ bằng cách trao đổi thư từ nhiều lần và đồng ý khôi phục các đường dây nóng bị cắt đứt như một bước đầu tiên cho quá trình đó", phía Nhà Xanh tuyên bố. "Họ cũng đã đồng ý lấy lại lòng tin càng sớm càng tốt và thúc đẩy tiến triển quan hệ một lần nữa".
Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin tất cả các kênh liên lạc liên Triều đã hoạt động trở lại lúc 10 giờ sáng Thứ Ba (giờ địa phương) theo thỏa thuận giữa lãnh đạo hai miền.
KCNA coi việc mở lại đường dây nóng là "một bước tiến lớn trong việc khôi phục lòng tin lẫn nhau và thúc đẩy hòa giải."
Triều Tiên cắt đường dây nóng liên Triều vào tháng 6 năm 2020 khi quan hệ hai miền trở nên tồi tệ sau khi các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên không đạt được kết quả thực chất.
Thậm chí phía Bình Nhưỡng còn cho phá hủy văn phòng liên lạc chung nhằm bày tỏ thái độ kiên quyết cắt đứt quan hệ với Seoul.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận rằng một đường dây nóng quân sự đã được thử nghiệm vào thứ Ba và đường dây liên lạc thường xuyên hai lần một ngày sẽ được nối lại.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cơ quan giải quyết các vấn đề liên Triều, cũng cho biết các đường dây điện thoại được lắp đặt tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm cũng đã được khôi phục.
Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi khôi phục đường dây nóng và các cuộc đàm phán liên Triều, đặt hy vọng về việc Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ khởi động lại các cuộc đàm phán nhằm loại bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Hiện chưa rõ việc mở lại đường dây nóng có phải là một dấu hiệu nghiêm túc cho thấy Bình Nhưỡng sẽ đáp lại những lời kêu gọi quay trở lại bàn đàm phán với Washington hay không.
Chuyên gia phân tích James Kim từ Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul cho biết Mỹ đã tiếp tục liên hệ với Triều Tiên kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức.
"Tôi nghĩ điều này cho thấy sự sẵn sàng đáp trả của Bình Nhưỡng. Nhưng còn quá sớm nếu chỉ dựa vào động thái nối lại liên lạc này", ông Kim nói thêm. "Chúng ta cần thấy sự nghiêm túc của chính quyền Bình Nhưỡng trong việc tiến tới phi hạt nhân hóa".
Giáo sư Yang Moo-jin từ Đại học Nghiên cứu Bắc Triều Tiên nhận định việc trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 và thảm họa thiên nhiên có thể là một cách để xây dựng lại mối quan hệ liên Triều.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh hai miền Triều Tiên kỷ niệm 68 năm ký hiệp định đình chiến, qua đó tạm thời chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.