Vốn là một quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin và truyền thông trên toàn thế giới, thế nhưng Hàn Quốc hiện đang phải vật lộn để đối phó với tình trạng tội phạm ngày càng gia tăng.
Những đối tượng này thường chụp, quay lén các bức ảnh, video nhạy cảm của phụ nữ tại những nơi công cộng sau đó đăng tải lên mạng, thậm chí những kẻ này còn mạo danh nạn nhân để thực hiện hành vi khiêu dâm.
“Căn nguyên sâu xa của loại hình tội phạm này là do những quan điểm và hành vi xâm phạm đối với phụ nữ và trẻ em gái không hề được phản đối quyết liệt trong xã hội", bà Heather Barr, Quyền Giám đốc phụ trách về vấn đề nữ quyền tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nhấn mạnh. "Vấn đề cấp bách hiện nay là chính phủ cần có những hành động để kiểm soát tình hình”.
Dù đã tiến hành sửa đổi luật nhưng chính phủ Hàn Quốc đã không phát đi được một thông điệp mạnh mẽ rằng phụ nữ và nam giới hoàn toàn bình đẳng, và hành vi sai trái là không thể chấp nhận được, bà Barr chỉ ra.
Bản báo cáo dài 92 trang được tổ chứ HRW công bố hôm Thứ Tư với tiêu đề “My Life is Not Your Porn”, (tạm dịch: “Cuộc đời tôi không phải phim khiêu dâm của các người") – đây cũng chính là khẩu hiệu được sử dụng trong các cuộc biểu tình ở Hàn Quốc vào năm 2018.
Thời điểm đó, hàng chục nghìn phụ nữ đã tuần hành trên đường phố Seoul để phản đối vấn nạn quay lén và chỉ trích chính phủ không ra tay bảo vệ danh dự của phụ nữ.
Theo dữ liệu từ cảnh sát Hàn Quốc, trong giai đoạn từ năm 2015 – 2019, trung bình mỗi năm nước này ghi nhận 6.192 trường hợp có hành vi quay lén bất hợp pháp, tăng 86% so với mức trung bình của 5 năm trước đó là 3.330 trường hợp.
Kể từ cuộc biểu tình vào năm 2018, chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành một số động thái như sửa đổi các điều luật liên quan, đưa ra các biện pháp ngăn chặn tội phạm xâm hại tình dục trên không gian mạng, và xây dựng hệ thống hỗ trợ cho các nạn nhân.
Tuy nhiên, nữ giới tại Hàn Quốc vẫn gặp phải những trở ngại trong việc đòi lại công lý cho bản thân, theo các lời khai được trích dẫn trong bản báo cáo của HRW.
Sau cuộc phỏng vấn với 12 nạn nhân cùng với các chuyên gia và nhà chức trách, bản báo cáo đã chỉ ra được một số mặt hạn chế chưa được cải thiện, bao gồm việc phụ nữ và trẻ em gái tại Hàn Quốc chưa được nâng cao nhận thức, cũng như các phương pháp điều tra còn thiếu phù hợp.
Bên cạnh đó, việc các đối tượng tội phạm có thể dễ dàng sao chép, đăng tải về các nội dung khiêu dâm lên mạng cũng khiến cho vấn nạn này khó được dập tắt, và gián tiếp tác động lâu dài đến cuộc sống của các nạn nhân.
“Việc phải xóa rất nhiều nội dung giả mạo danh tính mỗi ngày là một trong những điều vô cùng đau đớn và khó khăn đối với tôi”, Kang Yu-jin, một nạn nhân trong báo cáo, cho biết.
Rắc rối tìm đến Kang sau khi cô chia tay gã bạn trai cũ - người đã đăng tải các hình ảnh và video nhạy cảm của hai người lên mạng. Thậm chí khuôn mặt của Kang cũng đã bị ghép vào các bức hình khỏa thân của người khác.
“Nó giống như hành vi giết người, mặc dù bọn tội phạm không sử dụng vũ khí. Những hành vi đó đã huỷ hoại danh dự và giết chết tinh thần của rất nhiều người”, cô ngậm ngùi nói.
Đầu tháng này, Trung tâm Nhân quyền Quân sự Hàn Quốc đã công bố trường hợp một nam sĩ quan không quân đã bị bắt quả tang khi đột nhập vào ký túc xá và quay lén các nữ quân nhân khác. Nhưng sau đó anh ta vẫn được phép tiếp tục ở lại quân ngũ mà không bị kết tội.
Giải thích về trường hợp này, lãnh đạo lực lượng không quân Hàn Quốc cho biết họ phải điều tra lại vụ việc trước khi quyết định xử lý.
Cuối tháng trước, Giám đốc Sở Giáo dục Seoul Joe Hee-yeon cũng đã phải xin lỗi công chúng sau trường hợp một thầy giáo trung học lén lắp camera trong khu vực nhà vệ sinh nữ tại một trường học.
Các chuyên gia cho rằng Hàn Quốc cần phải có những quy định cụ thể và cứng rắn hơn để ngăn chặn việc lạm dụng công nghệ để thực hiện các hành vi xâm hại tình dục. Nhưng trên hết, những định kiến coi thường phụ nữ vốn đã tồn tại từ rất lâu trong văn hoá Hàn Quốc cần phải được xoá bỏ, bởi đây cũng chính là vấn đề cốt lõi, là nguyên nhân dẫn đến những hành vi lạm dụng, tấn công nữ giới.