Kế hoạch này, nếu được đồng thuận, sẽ giúp cải thiện nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 vốn đang bị thắt chặt trên toàn cầu, đặc biệt là ở châu Á. Đồng thời, thỏa thuận này sẽ đưa Hàn Quốc tiến gần hơn đến tham vọng trở thành một trung tâm sản xuất vaccine lớn đủ sức cạnh tranh với Ấn Độ.
Trước đó, Hàn Quốc đã đạt thỏa thuận sản xuất trong nước 3 loại vaccine của AstraZeneca, Novavax và vaccine của Nga. Các nhà sản xuất Hàn Quốc cũng đã ký hợp đồng đóng gói vaccine với Moderna.
"Chúng tôi đã thường xuyên tổ chức các cuộc đàm phán với các công ty dược phẩm lớn để sản xuất vắc xin mRNA", ông Lee Kang-ho, tổng giám đốc của ủy ban trung tâm vaccine toàn cầu thuộc Bộ Y tế Hàn Quốc, cho biết.
"Chỉ có một số nhà phát triển vaccine mRNA - Pfizer, Moderna, CureVac và BioNTech. Vì vậy, số lượng họ có thể sản xuất để đáp ứng nhu cầu toàn cầu sẽ bị giới hạn. Hàn Quốc rất muốn trợ giúp bằng cách cung cấp cơ sở vật chất và nguồn nhân lực có tay nghề cao", ông Lee nói.
Người phát ngôn của Pfizer cho biết công ty đang nỗ lực để tăng cường chuỗi cung ứng vaccine ngừa COVID-19 nhưng nói thêm rằng "chúng tôi không có bất kỳ điều gì cụ thể để thông báo vào thời điểm này."
Phía Hàn Quốc cũng chưa tiết lộ danh tính các nhà sản xuất vaccine trong nước có khả năng sản xuất vắc xin mRNA, nhưng một nguồn tin từ chính phủ cho biết hai cái tên tiềm năng là Hanmi Pharmaceuticals và Quratis.
Hanmi xác nhận rằng họ có một dây chuyển sản xuất lớn dành riêng cho thuốc tiểu đường của Sanofi và nó có thể được sử dụng để sản xuất vaccine COVID-19 khi dự án Sanofi bị đình trệ.
Quratis, công ty sản xuất vắc xin phòng bệnh lao, cho biết nhà máy mới được xây dựng vào năm ngoái của họ hiện có thể được sử dụng để sản xuất vaccine mRNA.