Theo thỏa thuận chia sẻ chi phí mới được ký kết bởi các nhà đàm phán Hàn Quốc và Mỹ vào Chủ nhật, phía Seoul sẽ trả khoảng 923 triệu USD trong năm 2019, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố được trích dẫn bởi hãng thôn tấn AP.
Seoul trước đó đã gửi 830 triệu USD cho Washington vào năm 2018.
Thỏa thuận vẫn chưa được các nhà lập pháp Hàn Quốc phê chuẩn, đây là một bước cần thiết trước khi các điều khoản của thỏa thuận có hiệu lực, BBC đưa tin. Thỏa thuận giữa hai bên thường hết hạn trong một năm. Các thỏa thuận trong quá khứ kéo dài 5 năm, theo ghi nhận của Reuters và phía Hàn Quốc hy vọng sẽ gia hạn thỏa thuận năm 2019 ít nhất 3 năm.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha nói rằng quá trình đàm phán "rất dài và cuối cùng đã thành công", cho biết thêm rằng phản ứng đối với thỏa thuận từ phía dư luận Hàn Quốc vẫn "tích cực cho đến nay", hãng thông tấn Reuters đưa tin.
Các nhà quan sát đang khá ngạc nhiên trước phản ứng ủng hộ từ phía dư luận Hàn Quốc về bản thỏa thuận mới nhất này. "Rõ ràng điều này rất không phổ biến ở Hàn Quốc", giáo sư Tim Beal thuộc Đại học Victoria, New Zealand cho biết.
"Bạn có thể thấy thông tin đó trên các phương tiện truyền thông ở Hàn Quốc, từ báo chí cánh hữu đến báo chí tự do. Họ (dư luận) không thích bị lừa, nhưng đó là những gì đang xảy ra", Giáo sư Beal cho biết.
Mức tăng khoảng 8% trong khoản thanh toán của Hàn Quốc cho Mỹ có thể bắt nguồn từ yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trước đó vào năm 2014, ông Trump đăng trên tài khoản Twitter rằng Hàn Quốc "hoàn toàn giết chết chúng ta trong các thỏa thuận thương mại", lưu ý rằng "thặng dư của họ so với Mỹ là rất lớn - và chúng ta phải trả tiền cho sự bảo vệ của họ".
Ông Timothy Betts - đại diện toàn quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ, người có mặt để ký thỏa thuận thay mặt chính phủ nước này, cho biết số tiền này là một phần nhỏ nhưng quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước. Ông Betts nói thêm rằng phía Washington "nhận ra rằng Seoul đã làm rất nhiều cho liên minh của chúng tôi và cho hòa bình và ổn định ở khu vực này".
Nguồn tin của hãng thông tấn Reuters cũng lưu ý rằng 70% số tiền do Seoul đóng góp dành cho tiền lương của khoảng 8.700 người Hàn Quốc đang làm việc cho quân đội Mỹ.
Các nhà phân tích khác nhận thấy rằng Seoul đang chi trả hiệu quả cho việc răn đe quân sự bằng cách trả một phần chi phí cho lực lượng quân đội Mỹ tại Hàn Quốc - và khoản tiền này thực sự rẻ hơn so với việc chi trả số tiền lớn dưới dạng ngân sách quốc phòng.
"Hàn Quốc phải suy nghĩ về chi phí liên quan đến việc giữ sự răn đe ở mức độ họ muốn, trong khi mối đe dọa đang rõ ràng hiện hữu", ông James Kim, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Viện nghiên cứu chính sách châu Á tại Seoul, nhận định.
"Nếu phí tổn để tự gia tăng khả năng quân sự để đổi lấy hỏa lực chưa chắc lớn hơn so với quân đội Mỹ lại lớn hơn nhiều chi phí quân sự chung, thì chẳng có lý gì Hàn Quốc không tự nguyện đóng góp thêm vào khoản ngân sách chia sẻ với Mỹ", ông Kim cho biết.