Hành trình ngàn năm của Nghệ thuật Tranh kính

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Nghệ thuật tranh kính trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm và thay đổi cùng với sự thay đổi kỹ nghệ sản xuất kính và làm tranh kính. Nhưng xét cho cùng, công nghệ làm tranh kính hiện đại hôm nay, từ việc chế ra kính màu, phương pháp cắt gọt các mảnh kính, đến gắn kính bằng những chiếc khung kim loại… vẫn không có gì khác so với thời Trung Cổ.
Nhà thờ Đức Bà Notre D'dame Paris, Thế kỷ 14.
Nhà thờ Đức Bà Notre D'dame Paris, Thế kỷ 14.

Tranh kính màu thời Trung cổ

Những bức tranh kính sơ khai được phát hiện làm ở Ai Cập có niên đại thế kỷ thứ hai trước Công nguyên. Đến thế kỷ thứ nhất, người Roman đã sử dụng kính làm cửa sổ để lấy ánh sáng. Hàng nghìn năm nay, kính và kính màu đều được chế từ chất silicat lấy từ cát, trộn lẫn đá vôi cộng thêm các phụ gia như muối rồi đem luyện ở nhiệt độ gần 3000 độ C. Để kính có màu sắc đa dạng, người ta cho thêm các chất oxit kim loại khác nhau vào hỗn hợp nóng chảy trong quá trình luyện kính. Màu sắc quyết định giá thành của kính bởi giá trị của các chất oxit mà người ta trộn trong hỗn hợp rất khác nhau. Xưa kia cũng như hiện nay, những tấm kính màu đắt tiền nhất thường là màu đỏ, vàng, vàng cam và màu đỏ tía.

Khởi thuỷ của tranh kính là các tác phẩm kim hoàn kết hợp giữa kính với vàng do các thợ kim hoàn làm ra. Sau này, người ta dùng các khung sắt để gắn các mảnh kính lại với nhau và nhờ đó tranh kính mới có cơ hội ứng dụng rộng rãi với kích thước lớn hơn. Hiện nay, người ta vẫn còn lưu giữ được một số chi tiết kính màu đơn sơ từng được sử dụng để trang trí nhà thờ Thánh Martin ở Tours vào thế kỷ thứ sáu sau công nguyên.

Đến thế kỷ thứ 10, tranh kính cửa sổ mới bắt đầu được coi là một lĩnh vực nghệ thuật, nhưng chủ yếu chỉ phục vụ cho các công trình kiến trúc Ki-tô giáo. Những bức tranh kính hoành tráng có khả năng toả sáng nhờ ánh sáng tự nhiên đã tạo nên vẻ đẹp lộng lẫy và huyền bí, tăng thêm bội phần không khí linh thiêng cho các thánh đường. Bởi vậy, ngay từ thời Trung cổ, nghệ thuật tranh kính màu được coi là một phần không thể thiếu trong việc truyền bá Ki-tô giáo và được coi là công trình do Chúa Trời sáng tạo ra. Dấu tích của năm bức tranh kính trên các cửa sổ nhà thờ Augsburg Cộng hoà liên bang Đức được xem là những bằng chứng cổ nhất (làm vào thế kỷ thứ 10), có giá trị nhất đối với lịch sử nghệ thuật tranh kính còn sót lại đến hôm nay, mô tả khuôn mặt của các nhà tiên tri trong kinh thánh.

Hành trình ngàn năm của Nghệ thuật Tranh kính ảnh 1

Năm bức tranh kính trên các cửa sổ nhà thờ Augsburg Cộng hoà liên bang Đức (thể kỷ thứ 10) là những bằng chứng cổ nhất về nghệ thuật kính màu.

Tranh kính với kiến trúc Gothic

Nghệ thuật tranh kính chỉ thực sự phát triển vào thế kỷ thứ 12 cùng với sự ra đời một trường phái kiến trúc mới. Suger, vị linh mục cai quản nhà thờ Saint Denis ở Paris (từ năm 1122 đến 1151) là người có công khởi xướng nền nghệ thuật tranh kính. Ông là tâm phúc của vua Louis VI và Louis VII. Nhờ được các vị hoàng đế cấp tiến ủng hộ, Suger đã mạnh dạn cải tiến kiến trúc nhà thờ Thiên Chúa giáo một cách căn bản. Sự thay đổi này đã mở ra một dòng kiến trúc lẫy lừng, trường phái Gothic, kéo theo đó là nghệ thuật tranh kính, một bộ phận gắn bó hữu cơ với kiến trúc Gothic. Chỉ không đầy một thế kỷ sau, hàng trăm công trình Gothic đã nối tiếp mọc lên khắp châu Âu, mà linh hồn và điểm nhấn quan trọng nhất lại chính là các công trình bằng kính như những chiếc cửa sổ lộng lẫy, có những bức có độ cao trên hai mươi mét làm choáng ngợp công chúng. Đáng tiếc, cuộc cách mạng Pháp đã phá huỷ hầu hết những tác phẩm tranh kính có giá trị nhất của nhà thờ Saint Denis. Nhưng Saint Denis đã thực hiện được sứ mệnh quan trọng là mở ra một kỷ nguyên kiến trúc mới huy hoàng và kéo theo đó là sự phát triển rực rỡ của dòng nghệ thuật tranh kính và kỹ nghệ sản xuất kính màu. Sau này, vào thời kỳ nước Anh bị người Normandy chiếm đóng, nghệ thuật tranh kính cũng đã được truyền bá sang Anh. Những tác phẩm tranh kính nổi tiếng mà ngày nay chúng ta còn thấy được ở Toà giáo hội Trưởng lão ở xứ York có niên đại năm 1150 là do chính các nghệ nhân của Pháp làm ra. Chẳng bao lâu sau, các công trình kiến trúc Gothic và tranh kính màu đã xuất hiện ở và phát triển huy hoàng ở Đức và xứ Fleming.

Trước thế kỷ 12, tranh kính chỉ có kích thước nhỏ bởi kiến trúc của các nhà thờ Ki-tô chủ yếu theo phong cách Byzantium và Roman, được liên kết bằng những bức tường dày, có nhiều cột lớn chịu lực đỡ các mái vòm hoặc khung tò vò đồ sộ. Kỹ thuật mái vòm của Gothic cho phép giảm bớt sức chịu lực đè lên các bức tường mà nhờ đó có thể mở rộng tối đa các khoảng rỗng để đón nhận ánh sáng tự nhiên, và cũng là cơ hội để tranh kính phát huy hết cỡ công năng của mình. Bức tranh kính màu lớn nhất của thế kỷ 12 là những tấm kính vẽ màu được gắn bằng những thanh sắt thẳng. Sang thế kỷ 13, các thợ rèn bắt đầu tạo được những khung đỡ hình tròn và hình chữ nhật khổ lớn. Những chiếc cửa sổ hình tròn đặc trưng được bố trí xen kẽ các khối đá hộc đã góp phần làm cho các khối đá trở nên nhẹ nhàng, tao nhã. Loại cửa này được phổ biến rất nhanh và sau này được gọi là những chiếc cửa sổ “hoa hồng”, vì chúng có dáng dấp như những bông hoa khổng lồ đang nở. Chiếc của sổ “hoa hồng” tại nhà thờ Đức Bà Paris được coi là những chiếc cửa sổ bằng tranh kính nổi tiếng nhất, hoàn hảo nhất.

Kiến trúc Gothịc có thể được coi là một cuộc thử nghiệm về lòng can đảm, khích lệ châu Âu mạnh dạn từ bỏ quá khứ Trung Cổ để bước vào giai đoạn Phục Hưng. Những nghệ nhân của nghệ thuật tranh kính có được những cơ hội mới để sáng tạo ra cả một thiên đường kính màu mới. Điển hình vô song cho nền nghệ thuật tranh kính giai đoạn này là Nhà thờ Đức Bà ở Chartes, Pháp. Không biết bằng cách nào các nghệ nhân làm kính đã chế tạo ra được những tấm kính với chất liệu hoàn toàn mới, có khả năng thẩm thấu toàn bộ ánh sáng tự nhiên từ bên ngoài, và nhờ sự khúc xạ đặc biệt mà các bức tranh kính khổng lồ này có được hiệu ứng quang học hoàn toàn khác thường, huyền ảo và hài hoà đến mức mà trước đó người ta chỉ dám ước mơ. Rất nhiều tác phẩm bất hủ đã được sáng tạo trong giai đoạn này, nhưng do chiến tranh, nạn đói kém và dịch bệnh triền miên nên đến nay chỉ còn lưu lại được một số ít.

Cuộc cách tân vĩ đại của nghệ thuật tranh kính trong thời kỳ Phục Hưng

Bước sang thế kỷ 15 thời đại Trung Cổ đã phải kết thúc để nhường chỗ cho thời đại Phục Hưng. Nghệ thuật tranh kính nhờ đó cũng bùng nổ cùng với sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, đặc biệt phát triển tại Italy và Bắc Âu. Vào giữa thế kỷ 15, Jan Van Eyck, một hoạ sĩ tiêu biểu cho chủ nghĩa hiện thực đã tạo nên một cuộc cách mạng trong nghệ thuật tranh kính, đưa nghệ thuật tạo hình vào các tác phẩm tranh kính do ông chủ trì thực hiện. Lần đầu tiên, các hoạ sĩ thay thế cho các nghệ nhân trong việc thiết kế và chỉ đạo thực hiện các bức tranh kính. Tranh kính giai đoạn này từ chỗ chỉ là các tác phẩm thủ công nay được coi là các tác phẩm nghệ thuật. Các hình khối, đặc biệt là hình ảnh con người trong các công trình nghệ thuật được thể hiện bằng kỹ thuật sáng tối tao nhã của hội hoạ. Các lớp men màu phủ lên kính đã được cải tiến, trong trẻo hơn.

Với việc xuất hiện Phong trào Cải cách ở châu Âu vào thế kỷ 16, khi những người Calvin chống lại lại sự áp bức của những người Tây Ban Nha, vua Henry VIII bắt đầu tấn công và tàn phá các nhà thờ Gia-tô, thì hàng trăm kiệt tác kính màu theo đó cũng bị phá huỷ. Trong hơn một thế kỷ, người ta không còn nghĩ đến việc làm tranh kính. Công nghệ sản xuất kính màu bị thất truyền. Kỹ nghệ làm tranh kính bị lãng quên. Mãi đến năm 1644, nghị viện Anh mới bắt đầu nghĩ đến việc phục chế lại bức Đức Mẹ đồng trinh đã bị phá huỷ trước đó. Khi người ta sực tỉnh và ý thức được nhu cầu bảo tồn giá trị nghệ thuật tranh kính thì công nghệ làm kính màu gần như đã bị thất truyền. Trong tay hậu thế chỉ còn lại những mảnh kính màu bẩn thỉu, sứt sẹo.

Không chỉ có các công trình kiến trúc Ki-tô giáo sử dụng tranh kính màu mà sau này trường phái kiến trúc Baroque cũng tận dụng tối đa công năng trang trí của kính màu. Trào lưu sử dụng kính trắng để lấy ánh sáng ở Pháp trong thế kỷ 18 phải chịu trách nhiệm trong việc phá bỏ các tác phẩm kính màu ở các công trình kiến trúc tín ngưỡng và dân dụng, nhưng rất may mắn là những tác phầm tranh kính quý giá nhất đã được chuyển sang Vương quốc Anh và được bảo quản cho đến hôm nay. Tại Anh quốc, một phong trào phục chế tranh kính màu đã xuất hiện. Đến thế kỷ 19, một số tác phẩm tranh kính kiểu Gothic vẫn được áp dụng vào kiến trúc ở Anh và Hoa Kỳ.

Một trong những hãng làm tranh kính danh tiếng nhất của giai đoạn này là Hãng Tranh kính Mayer Munich, Đức. Họ đã tạo nên hàng trăm bức tranh kính khổ lớn, đồ sộ tô điểm cho các công trình kiến trúc, các nhà thờ Ki-tô giáo ở Châu Âu, Hoa Kỳ và Canada. Những tác phẩm kính màu của Mayer Munic là sự kết hợp rất tài tình giữa sự tiến bộ của kỹ thuật tranh kính thế kỷ 18-19 với Nghệ thuật hội họa Phục Hưng. Những bức tranh kính của Mayer Munich thường được đánh giá là những tác phẩm Nghệ thuật kính màu hoàn hảo và có giá trị bậc nhất. Một bức tranh kính khổ lớn chủ đề “Giáng sinh”, rộng sáu mét, cao tám mét do Mayer Munich chế tác đầu thế kỷ 19 cho bức tường chính điện của nhà thờ Đức Mẹ của các Thánh thần ở New York, Hoa Kỳ đã được Bảo tàng Nghệ thuật Kính màu ở Việt Nam sở hữu và sẽ cho trưng bày trong nay mai.

Hành trình ngàn năm của Nghệ thuật Tranh kính ảnh 2

Bức tranh kính khổ lớn chủ đề “Giáng sinh”, rộng sáu mét, cao tám mét do Mayer Munich chế tác đầu thể kỷ 19 cho bức tường chính điện của nhà thờ Đức Mẹ của các Thánh thần ở New York, Hoa Kỳ.

Kính màu mắt mèo (opal)

Sự phồn thịnh xa hoa của xã hội công nghiệp tại Hoa Kỳ vào thế kỷ 19 đã liên tục làm thay đổi khẩu vị và phong cách kiến trúc, lối ăn mặc và sinh hoạt đại chúng. Phong cách Gothic đã được hồi sinh tại Hoa Kỳ nhằm đề cao vẻ đồ sộ và phồn vinh cho các công trình kiến trúc mang đậm sắc thái Phục Hưng mà người ta thường gọi là trường phái Tân Cổ điển. Những toà nhà kiểu lâu đài thời Phục Hưng mọc lên như nấm được trang hoàng dày đặc các tác phẩm tranh kính "sặc mùi vị khác thường kiểu Mỹ". Một dòng kính màu mới lạ được người Mỹ sáng chế, được các nghệ sĩ đương thời như Tiffany, La Farge, D. Maitland Armstrong sử dụng, có tên gọi là kính opal, tạm dịch là kính mắt mèo hoặc kính mờ đục. Khác với các loại kính cổ điển, kính mắt mèo có khả năng phản chiếu các tia khúc xạ của ánh sáng theo một cách rất đặc biệt. Nhờ trộn lẫn các thành phần thuỷ tinh đục nhờ nhờ lẫn các thành phần thuỷ tinh trong suốt có nhiều vân xoáy, nên loại kính mắt mèo này rất thích hợp cho các khối kiến trúc ốp đá hoa cương và cẩm thạch. Kính mắt mèo đã đươc các nhà kiến trúc và thiết kế nội thất ở Mỹ đón chào nồng nhiệt. Mặc dù các cửa sổ sử dụng kính mắt mèo có độ cản quang lớn hơn so với kính màu cổ điển, nhưng nhờ thế lại tạo được vẻ lung linh huyền ảo khác thường, tôn những yếu tố nội thất cầu kỳ và phô trương của trường phái nghệ thuật Tân cổ điển.

Hành trình ngàn năm của Nghệ thuật Tranh kính ảnh 3

Tranh kính ‘Phong cảnh mùa Thu’ của Tiffany (đầu TK20) bằng kính Opal.

John La Farge là nhà thiết kế đầu tiên ứng dụng kính mắt mèo cho cửa sổ và nhận được bằng sáng chế vào ngày 24/2/1880. Tiếp theo đó là Louis Comfort Tiffany nhận được một loạt bằng sáng chế quan trọng liên quan đến việc ứng dụng và sản xuất các loại kính mắt mèo đặc biệt và nhờ thế ông đã trở thanh người tiên phong - nghệ sĩ - kỹ nghệ gia lỗi lạc nhất trong lĩnh vực tranh kính và công nghệ sản xuất kính màu, mở ra một lĩnh vực nghệ thuật tranh kính và pha lê màu hoàn toàn mới, được lưu truyền và ca tụng cho đến ngày nay.

Tranh kính của thế kỷ 20 và 21

Hành trình ngàn năm của Nghệ thuật Tranh kính ảnh 4

Tranh kính cua ALAN YOUNGER chế tác 1992, Nhà thờ Chester, Hoa Kỳ.

Nghệ thuật tranh kính của thế kỷ 20 và 21 gần như không tìm được con đường riêng và rất khó định dạng phong cách, gần như lệ thuộc hoàn toàn vào xu thế phát triển của ngành kiến trúc hiện đại. Các nghệ nhân làm tranh kính chỉ đơn giản là sao chép lại các bức tranh sặc sỡ của các hoạ sĩ tiền bối trường phái Dã thú, Lập thể, Trừu tượng… của Matisse, Braque, Lenger… Nếu như trước đây, tranh kính là một yếu tố quan trọng, không thể thiếu nhằm xác lập yếu tố kiến trúc thì ngày nay, chúng chỉ còn là một bộ phận nào đó của ngành kiến trúc nói chung.

Nghệ thuật tranh kính trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm và thay đổi cùng với sự thay đổi kỹ nghệ sản xuất kính và làm tranh kính. Nhưng xét cho cùng, công nghệ làm tranh kính hiện đại hôm nay, từ việc chế ra kính màu, phương pháp cắt gọt các mảnh kính, đến gắn kính bằng những chiếc khung kim loại… vẫn không có gì khác so với thời Trung Cổ. Để làm ra tranh kính, người ta vẫn phải cần đến đôi mắt tinh tế của các nghệ sĩ trong việc chọn kính, chọn màu. Các quy trình làm tranh về cơ bản vẫn như xưa. Chỉ khác là người ta thay chiếc mỏ hàn thô sơ bằng chiếc mỏ hàn được đốt nóng bằng điện. Nhưng hàn thì vẫn phải bằng tay.

Nghệ thuật làm tranh kính màu mãi mãi vẫn là sản phẩm của bàn tay khéo léo, là biểu thị của tinh thần, cảm hứng sáng tạo của con người và có thể nói đó là lĩnh vực nghệ thuật duy nhất đến nay vẫn không chịu tuân theo sự chi phối của máy móc, cho dù chúng ta đang ở giữa thời đại của công nghệ, của tự động hoá và tin học.

Nét đẹp tự nhiên trong từng chi tiết đèn kính màu Tiffany. Ảnh: The Lamps of Louis Comfort Tiffany
Họa tiết bí đỏ: Nét đẹp tự nhiên trong từng chi tiết đèn kính màu Tiffany
(Ngày Nay) - Mẫu đèn Squash là một trong những tác phẩm điêu khắc bằng kính màu xuất sắc nhất của Tiffany Studios, được lấy cảm hứng từ vẻ đẹp tự nhiên của hoa và lá bí đỏ. Thiết kế độc đáo với hình dạng quả bí kết hợp cùng kỹ thuật chế tác tinh xảo đã biến chiếc đèn này trở thành một kiệt tác nghệ thuật đầy ấn tượng.
Ảnh minh hoạ.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tiếp nhận 1,5 tỷ yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin công dân
(Ngày Nay) - Bộ Công an cho biết, tính đến giữa tháng 4/2024, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 16 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương, tiếp nhận 1,5 tỷ yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin công dân, 650 triệu yêu cầu đồng bộ thông tin công dân.
Các đại biểu tham quan triển lãm.
Trưng bày 70 tác phẩm mỹ thuật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
(Ngày Nay) - Lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật 70 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ đã diễn ra ngày 3/5, tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sự kiện do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhân Kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024).
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu.
Từ ngày 1/7, chỉ sử dụng duy nhất tài khoản VNeID trong thực hiện dịch vụ trực tuyến
(Ngày Nay) - Tổng số lượt sử dụng tài khoản định danh điện tử trên các Cổng dịch vụ công đến nay là trên 29,37 triệu, số lượt đăng nhập trên ứng dụng Etax của Tổng cục Thuế là gần 2,1 triệu lượt, số lượt đăng nhập trên ứng dụng VssID của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là hơn 10,4 triệu lượt. Tổng số tiền tiết kiệm được cho nhà nước ước tính 469 tỷ đồng.
Hải Phòng: Đội ngũ trí thức - nòng cốt, tiên phong trong nhiều hoạt động
Hải Phòng: Đội ngũ trí thức - nòng cốt, tiên phong trong nhiều hoạt động
(Ngày Nay) - Thành phố Hải Phòng đã có chủ trương cùng nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù, bố trí kinh phí, cơ sở, vật chất để bảo đảm điều kiện hoạt động cho đội ngũ trí thức. Hải Phòng xác định, đây là một trong những động lực quan trọng để phát triển đất nước và mỗi địa phương.
15 học sinh nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm​ tại TP.HCM
15 học sinh nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm​ tại TP.HCM
(Ngày Nay) - Tối 2/5, thông tin từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị này đang điều trị, theo dõi tình hình sức khoẻ của 15 học sinh tại 4 trường tiểu học trên địa bàn nhập viện với các triệu chứng ngộ độc thực phẩm.