Cách nhận biết trường “quốc tế”…xịn!
Chuyên gia quản lý giáo dục Vương Đình Ninh - Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục Việt - Mỹ chia sẻ, theo quy định của Luật giáo dục thì trường có yếu tố nước ngoài là trường có vốn đầu tư từ nước ngoài, theo tỷ lệ cổ phần góp vốn. Đối với vấn đề góp vốn, có thể được hiểu là liên doanh nhưng do có yếu tố nước ngoài nên được phép gắn mác quốc tế.
Kế đến, những trường học được đầu tư 100% vốn nước ngoài mang tên của trường ở bản xứ và hoạt động theo luật pháp Việt Nam. Thông thường, những trường quốc tế “xịn” này không ghi thêm chữ “quốc tế” vào bảng hiệu của nhà trường. Lý do, họ tự hào vì đã có thương hiệu toàn cầu.
Còn một loại trường “quốc tế” nữa xuất hiện ở Việt Nam hơn 10 năm trở lại đây. Trên các bảng hiệu luôn xuất hiện chữ “quốc tế” nhưng vốn sở hữu hoàn toàn 100% là người Việt Nam. Nguyên nhân, các trường này thường lạm dụng danh xưng “quốc tế” để thu hút phụ huynh nhằm làm cho phụ huynh dễ bị nhầm lẫn.
Phụ huynh ngộ nhận sẽ sẵn sàng chi trả mức học phí cao nhưng chất lượng dạy, học và bán trú nếu so sánh với các trường công lập chưa hẳn vượt trội. Những cơ sở này sẽ không có chữ “quốc tế” trong giấy phép hoạt động khi các cơ quan chức năng cấp phép.
Họ muốn khuyếch trương thương hiệu, muốn quảng cáo trên bảng hiệu để đánh vào tâm lý sính ngoại của người dân. Thời gian qua, nhiều trường đã bị các cơ quan chức năng “tuýt còi” nhưng sự việc lại rơi vào quên lãng.
Chuyên gia Vương Đình Ninh chia sẻ, phụ huynh thật cân nhắc khi chọn trường học cho con phù hợp với tâm sinh lý và độ tuổi. Đối với gia đình có điều kiện, thu nhập cao thì không cần phải bàn cãi. Nhưng đối với những gia đình có thu nhập ở mức trung bình khá, cần vạch ra chiến lược đầu tư cho các em.
Đến khi, các em đạt đến độ tuổi nào thì bắt đầu tăng tốc và đầu tư vào các môn học ngoài chương trình giáo dục. Chẳng hạn, độ tuổi học ngoại ngữ, học các môn năng khiếu hay những kỹ năng mềm trong cuộc sống đời thường. Tất cả đều cần có một kế hoạch thật cụ thể.
Trường tư thục – mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận
Vị chuyên gia giáo dục nói, đã từng có nhiều phụ huynh gặp để liên hệ tìm cách xin cho các em quay trở lại “trường làng”. Cũng bởi, các em không thể nắm bắt được kiến thức phổ thông khi phụ huynh lầm tin vào những trường quốc tế “dỏm”. Đầu tư cho các em trong việc giáo dục là hiệu quả nhất trong tương lai thay vì để lại khối tài sản "kếch xù". Đây là khối tài sản mà không ai có thể lấy đi của các em.
Tuy nhiên, câu chuyện đầu tư như thế nào, đầu tư vào việc học ra sao lại là điều đáng để cân nhắc. Phụ huynh không thể am hiểu hết việc học, môi trường sinh hoạt trong nhà trường.
Chuyên gia Vương Đình Ninh đưa ra lời khuyên, tốt nhất, đối với bậc mầm non và tiểu học, phụ huynh hãy cứ để các em học trường làng, chọn trường gần nhà nhất mà học. Đối với cấp THCS, THPT thì tùy vào tình hình tài chính của gia đình mà chọn trường. Hơn hết, phụ huynh phải có nhận định chính xác vào khả năng tiếp thu kiến thức của các em để chọn trường.
Ở những cấp học này cũng là bước đệm để lựa chọn, định hướng nghề tương lai cho trẻ. Phụ huynh không nhất thiết phải cho các em học ở những ngôi trường to nhất, đẹp nhất nhưng khả năng tiếp thu của các em không đủ để đáp ứng nhu cầu học. Cuối cùng, hành trang vào đời của các em là một “ba-lô” rỗng tuếch và không chứa đựng được những điều đã học.
Tại Việt Nam, vẫn còn đó nhiều ngôi trường tư thục, trường công lập sẵn sàng sử dụng thủ thuật làm “sạch” học bạ để thu hút và tuyển sinh. Nhiều phụ huynh muốn được mọi người ca ngợi thành tích của con em là học giỏi nên chấp nhận các điều kiện.
Đối với trường tư thục, mục tiêu thành lập trường không nằm ngoài mục đích lợi nhuận. Những trường bản chất không phải quốc tế, tự gắn cho cái mác “quốc tế” thì càng tối đa hóa lợi nhuận.
Chuyên gia Vũ Đình Ninh đánh giá, nhiều học sinh, dù chỉ học ở trường làng nhưng vẫn đỗ thủ khoa, vẫn nhận những giải học bổng du học ở các trường danh giá trên thế giới. Vấn đề ở đây, thái độ học tập của các em sẽ quyết định tất cả. Giáo dục là nền tảng của nhiều yếu tố, bao gồm: Gia đình, nhà trường và xã hội.