Ông Đàm Quang Minh sinh năm 1979 và được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Đại học FPT từ tháng 9/2014. Giữ chức hiệu trưởng một trường đại học khi mới 35, ông là vị hiệu trưởng đại học trẻ nhất Việt Nam.
Được biết, ông Đàm Quang Minh có thể sẽ rời khỏi FPT. Tuy nhiên, phía FPT vẫn chưa công bố cụ thể thông tin này.
Người sẽ tiếp tục chèo lái Đại học FPT trong nhiệm kỳ 2016-2021 là ông Nguyễn Khắc Thành, Phó Tổng giám đốc FPT kiêm Hiệu trưởng Trường đào tạo Cán bộ FPT.
Ông Nguyễn Khắc Thành sinh năm 1964, nguyên là học sinh chuyên toán Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông tốt nghiệp đại học và nhận bằng tiến sỹ Toán-Lý năm 1990 tại đại học Tổng hợp Lomonoxop (Nga).
Ông Nguyễn Khắc Thành . (Ảnh: FPT) |
Ông tham gia làm phần mềm tại FPT từ năm 1991, tham gia thành lập và vận hành Hệ thống đào tạo Lập trình viên quốc tế FPT-Aptech từ 1999.
Ông đảm nhiệm vị trí Phó Hiệu trường Đại học FPT từ 2006 đến 2014, từ 2014 đến nay là Phó Tổng giám đốc FPT kiêm Hiệu trưởng Trường đào tạo Cán bộ FPT và tháng 11/2016 được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Đại học FPT nhiệm kỳ III 2016-2021.
Bên cạnh việc thay đổi nhân sự, tối 25/11, FPT cũng vừa ra mắt Tổ chức Giáo dục FPT nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Đại học FPT, đồng thời công bố những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, Tổ chức Giáo dục FPT là một hệ thống các trường thuộc các khối đào tạo khác nhau từ cấp trung học phổ thông, cao đẳng thực hành, đại học và sau đại học, các khối liên kết và trao đổi sinh viên quốc tế.
Tổ chức Giáo dục FPT được định hướng phát triển trở thành hệ thống giáo dục với tiêu chí “5 đa”, gồm đa trình độ, đa ngành, đa phân khúc, đa phương thức và đa vị trí.
Tất cả các đơn vị trên hệ thống sẽ bám sát các mục tiêu như đào tạo gắn với tính thực tiễn, theo nhu cầu doanh nghiệp, toàn cầu hóa và quốc tế hóa giáo dục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy và học trong toàn hệ thống.
Tổ chức giáo dục FPT cũng chính thức công bố Triết lý Giáo dục được hệ thống theo đuổi – đó là: “Giáo dục đào tạo là việc tổ chức và quản lý việc tự học của người học”, đồng thời khẳng định sứ mệnh của mình là “cung cấp năng lực cạnh tranh toàn cầu cho người học, góp phần mở mang bờ cõi trí tuệ của đất nước”.
Về mặt quy mô, FPT tham vọng trở thành tổ chức giáo dục toàn cầu, tăng trưởng gấp 10 lần so với hiện nay, từ 15.000 sinh viên (năm 2016) lên 150 ngàn học sinh sinh viên vào năm 2025./.