Hình hài của nước Mỹ dưới thời Joe Biden

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Những chiến thắng bất ngờ tại Michigan và Wisconsin đã giúp ông Joe Biden chậm rãi tiến vào Nhà Trắng. Dù các bang Alaska, Arizona, Pennsylvania, Georgia, Nevada và Bắc Carolina vẫn còn đang kiểm phiếu, nhưng có lẽ đã đến lúc để xem xét một nước Mỹ dưới thời ông Biden.
Hình hài của nước Mỹ dưới thời Joe Biden

Không phải là nước Mỹ của Biden

Theo quan điểm của tờ The Washington Post, trong hơn ba năm qua, người dân đã phải sống và “chịu đựng” một nước Mỹ của Donald Trump, một khi ông Joe Biden lên cầm quyền, hình hài của nước Mỹ sẽ hoàn toàn khác.

Khác biệt đầu tiên, đây sẽ không phải là nước Mỹ của Joe Biden, đất nước sẽ quay trở lại thời kỳ mà hầu hết người dân không phải đón nhận những động thái khiêu khích mới nhất của Tổng thống vào mỗi ngày, các quan chức sẽ được lựa chọn dựa trên năng lực và lòng tận tâm, chứ không phải để phục vụ Tổng thống.

Một số thay đổi nhân sự sẽ diễn ra ngay lập tức. Ông Biden sẽ bắt đầu nhiệm kỳ của mình bằng cách khôi phục năng lực cho các cấp cao của chính phủ liên bang. Trong nhiều thập kỷ kinh nghiệm chính trị của mình, cựu Phó Tổng thống đã chiêu mộ cho mình những quan chức kỳ cựu tại Washington.

Một số người, chẳng hạn như cựu Chánh văn phòng hai đời Phó Tổng thống Ronald Klain; “nữ Phó tướng” Kamala Harris, đều có hồ sơ trong sạch và chứng minh được thực lực. Một điều đáng lưu ý đó là bà Harris sẽ là phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên giữ chức vụ Phó Tổng thống.

Khi nhậm chức, ông Joe Biden sẽ nhanh chóng ngăn chặn một số hành động đơn phương của ông Donald Trump trước đây: phá vỡ các quy định, hiệp ước môi trường; nỗ lực phá hoại Obamacare; gây áp lực liên tục lên Bộ Tư pháp để truy tố kẻ thù chính trị, đồng thời ân xá cho các hành vi phạm tội của bạn mình.

Ông Biden sẽ tái gia nhập các tổ chức và hiệp định quốc tế mà ông Trump đã từ bỏ, chẳng hạn như Tổ chức Y tế Thế giới và Hiệp định khí hậu Paris, cũng như khôi phục các biện pháp bảo vệ của nhánh hành pháp đối với những người nhập cư không có giấy tờ, vốn được đưa đến nước Mỹ khi còn nhỏ.

Trong những tuần tiếp theo, ông Biden đã hứa sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm giúp đoàn tụ 545 trẻ em di cư vẫn còn thất lạc cha mẹ của chúng. Nếu được Quốc hội thông qua, ông Biden cũng sẽ thúc đẩy một gói giải cứu kinh tế bị đình trệ từ lâu để hỗ trợ những người thất nghiệp, thiếu việc làm, các doanh nghiệp và dịch vụ công đang vật lộn để đối phó với đại dịch COVID-19.

Chính quyền Biden sẽ tập trung hàn gắn “vết nứt” chủng tộc trong lòng nước Mỹ, ông sẽ yêu cầu Bộ Tư pháp cải cách hệ thống cảnh sát, nhằm hạn chế tình trạng bắt giữ và sát hại thường dân, vốn đã thổi bùng lên phong trào “Black Lives Matter”.

Về đối ngoại, ông Biden sẽ “hâm nóng” lại quan hệ với những đồng minh truyền thống, như châu Âu và Nhật Bản, Hàn Quốc.

Không có nhiệm kỳ Tổng thống nào diễn ra giống như những gì các ứng cử viên mong đợi hoặc hứa hẹn. Các Tổng thống luôn phải đối mặt với những hoàn cảnh và khủng hoảng mà không ai lường trước được. Ông Trump đã làm cho những vấn đề lớn trở nên tồi tệ hơn và không xử lý thành công các thách thức trong năm cuối nhiệm kỳ. Từ những bài học đó, chính quyền Biden phải nắm bắt được sai lầm và tránh đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm.

Một Tổng thống “vịt què”?

Trong khi đó, tờ Financial Times lại dự đoán một tương lai u ám hơn, khi ông Biden có nguy cơ trở thành một “Tổng thống vịt què” – một nhà lãnh đạo với quyền lực hạn chế.

Dù có thể giành chiến thắng để bước chân vào Nhà Trắng, thì ông Biden cùng đảng Dân chủ nhiều khả năng sẽ không thể kiểm soát được Thượng viện, nơi sẽ vẫn là “pháo đài” của đảng Cộng hòa. Sẽ là may mắn nếu ông Biden có thể nhanh chóng thông qua các chương trình nghị sự của mình, chẳng hạn như cung cấp chương trình bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho người dân Mỹ, đầu tư lớn vào công nghệ xanh và miễn phí học phí cho sinh viên đại học tới từ các gia đình trung lưu.

Không có cơ hội nào để ông Biden có thể xóa bỏ các rào cản của Thượng viện, sáp nhập Puerto Rico và Đặc khu Columbia thành 2 tiểu bang mới, hoặc mở rộng quy mô của Tòa án Tối cao. Nếu có một vị trí trống trong Tòa án Tối cao, thì lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mitch McConnell sẽ ngay lập tức gạch tên ứng viên được ông Biden đề cử. Điều tốt nhất mà ông Biden có thể hy vọng là một gói kích thích khiêm tốn.

Trong khi chờ đợi để được bước vào phòng Bầu dục, ông Biden sẽ vẫn phải cạnh tranh với ông chủ Nhà Trắng hiện tại. Tổng thống Donald Trump sẽ khó thừa nhận thất bại của mình, kéo theo đó là các cuộc chiến pháp lý buộc các bang phải kiểm phiếu lại trong nhiều tuần.

Ông Biden sẽ phải chuẩn bị cho việc không được tiếp cận các hồ sơ của Nhà Trắng trong 11 tuần chuyển giao quyền lực. Chẳng hạn như ông Trump sẽ không chia sẻ về hồ sơ “operation warp speed” – chương trình phát triển vaccine COVID-19. Để đến khi thực sự tiếp quản, chính quyền Biden sẽ bị lạc trong “rừng” tài liệu bị chia cắt và xé nhỏ.

Nước Mỹ dưới thời ông Biden có nguy cơ bị kẹt giữa hai thế lực không thể hòa giải - một bên là những phần tử ủng hộ Trump, còn bên là những “cái đầu nóng” của đảng Dân chủ. Điều khiến ông Biden đau đầu là “tàn dư” của chính quyền Trump vẫn sẽ tiếp tục ở lại Thượng viện thêm một nhiệm kỳ nữa.

Lindsey Graham, thượng nghị sĩ từ Nam Carolina, đã được bầu lại cùng với ông Mitch McConnell. Đảng Dân chủ có thể đã mất thêm ghế trong Hạ viện. Những người mới của Đảng Cộng hòa còn được coi là “Trump” hơn cả Trump. Một trong số đó là Marjorie Taylor Greene, người ủng hộ nhiệt thành của QAnon, một nhóm âm mưu cực hữu. Bất kỳ cơ hội nào để cuộc bầu cử này phá vỡ “cơn sốt của Đảng Cộng hòa”, như ông Obama từng nói, đều đã bị dập tắt.

Vậy Tổng thống Biden có thể làm gì? Câu trả lời ngắn gọn là ông sẽ cố gắng tìm kiếm một cách tiếp cận trung dung. Các thỏa thuận với ông McConnell của đảng Cộng hòa sẽ khiến phe cánh tả của đảng Dân chủ xa lánh ông Biden. Tuy nhiên, nếu không có nỗ lực hợp tác lưỡng đảng, thì sẽ rất khó để ông Biden triển khai các chính sách của mình.

Điều đó mang lại cho ông McConnell ưu thế “cửa trên”. Chẳng hạn như kế hoạch chống COVID-19 của liên bang, có thể được thực hiện theo sắc lệnh hành pháp. Còn với việc bổ nhiệm các vị trí quan trọng sẽ phải đáp ứng sự chấp thuận của Thượng viện. Sẽ là khôn ngoan nếu Tổng thống Biden bổ nhiệm ít nhất một hoặc hai thành viên đảng Cộng hòa vào nội các của mình, thế nhưng điều này sẽ càng khiến nội bộ đảng Dân chủ “nóng mặt”.

Chỉ trong chính sách đối ngoại, Tổng thống Biden mới có quyền tự do hành động. Thế nhưng điều này tồn tại một nghịch lý. Danh tiếng của nền dân chủ của Mỹ đã bị ảnh hưởng trên trường quốc tế dưới thời Trump. Cuộc bầu cử năm 2020 khó có thể đảo ngược điều đó.

Tuy nhiên, thế giới sẽ cảm thấy nước Mỹ thay đổi nhiều hơn hầu hết người dân Mỹ. Ông Biden đã cam kết tái thiết những gì ông Trump đã “phá vỡ”. Nước Mỹ sẽ tham gia lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Tổ chức Y tế Thế giới và có thể cả thỏa thuận hạt nhân Iran.

Nhưng khả năng chính quyền Biden tăng lương tối thiểu ở Mỹ sẽ gần bằng không. Mức thuế cao hơn đối với người giàu ở Mỹ không thành hiện thực. “Bóng ma” của ông Trump sẽ ám ảnh nước Mỹ dưới thời Biden ít nhất là thêm 4 năm nữa.

Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.
UNESCO kêu gọi thúc đẩy giáo dục hòa nhập. Ảnh: UNESCO/Marie ETCHEGOYEN
Tôn vinh và ủng hộ sự hòa nhập trong giáo dục
(Ngày Nay) - Kỷ niệm 30 năm Tuyên bố Salamanca hồi giữa tháng 3/2024, cộng đồng quốc tế đã cam kết tiếp tục nỗ lực hướng tới môi trường giáo dục hòa nhập và công bằng cho tất cả mọi người.