Trong cuốn “The Lamps of Louis Comfort Tiffany” (tạm dịch: Những cây đèn của Louis Comfort Tiffany), tác giả Martin Eidelberg đã cho người đọc ngắm nhìn hai trong số những cây đèn có họa tiết mạng nhện của Tiffany.
Sự kết hợp cầu kỳ với hoa thủy tiên
Chiếc đèn đầu tiên cao hơn 70cm, là một bài ca ca ngợi mùa xuân tươi đẹp. Hoa thủy tiên ở đế đèn đang nở rộ, vươn mình lên trên rặng hoa táo nở xen kẽ với mạng nhện. Kích thước đồ sộ của toàn bộ cây đèn, chi tiết phức tạp của chao đèn, đế đèn hình bát giác và kỹ thuật khảm điêu luyện đã khiến chiếc đèn trở thành tác phẩm đắt thứ hai do Tiffany Studios sản xuất.
Chiếc đèn đắt thứ hai do Tiffany Studios sản xuất. |
Chủ đề của chiếc đèn khá đặc biệt. Thông thường, hoa thủy tiên và cành của cây ăn quả là những chi tiết thường thấy trong các sản phẩm trang trí. Mặt khác, nhện và mạng nhện lại không được ưa chuộng, thậm chí còn gây ra sự sợ hãi.
Bản thân Tiffany đã sử dụng họa tiết mạng nhện và hoa trong giấy dán tường vào đầu những năm 1880, và chúng cũng thường xuất hiện ở sản phẩm của Tiffany & Co. Trong khi những tác phẩm ban đầu có hơi thở phương Đông (họa tiết trang trí thường theo hướng trừu tượng), thì chiếc đèn này lại thiên về tả thực hơn.
Tiffany đã sử dụng họa tiết mạng nhện và hoa trong giấy dán tường. |
Phần đế được khảm tinh xảo, kết nối với chao đèn bằng những đường cong uốn lượn. Chiếc đèn mạng nhện này có cách triển khai họa tiết gần giống với chiếc đèn Bươm bướm, một thiết kế từ năm 1899.
Có mười mẫu đèn mạng nhện và tất cả đều được thiết kế khác nhau. Một số có đế rộng hơn hoặc các cạnh phẳng hơn, một số được khảm phức tạp hơn, một số lại có phần đế phẳng song song với mặt bàn trong khi một số khác có sáu chân đỡ nhỏ.
Chiếc đèn Bươm bướm từ năm 1899. |
Vẻ tươi tắn của hoa táo
Chiếc đèn thứ hai cao hơn 60cm, thoạt nhìn sẽ nhầm rằng đây là phiên bản “mini” của chiếc đèn trước. Cả hai đều có chao đèn chứa đầy mạng nhện trên những cành hoa táo, và đều có đế được khảm.
Thực tế, đây là một thiết kế khác biệt hoàn toàn. Chao đèn này nhìn giống hình mái vòm hơn là đa giác, hoa tạo thành cụm dày đặc và mạng nhện cũng thưa thớt hơn.
Phần đế đèn với họa tiết lá và cây lúa mì. |
Phần thân đế được khảm bằng các mảnh thủy tinh màu xanh và vàng ánh kim tách biệt. Những chiếc lá cao và thân cây lúa mì được chạm nổi bằng đồng. Chân đế có ba chân kéo ra phía dưới để đỡ toàn bộ cây đèn. Tác giả Martin Eidelberg nhận định chiếc đèn này được chế tác tỉ mỉ và phức tạp hơn chiếc đèn lớn.
Chiếc đèn này được liệt kê trong Bảng giá (tổng hợp các mẫu và giá thành của đèn Tiffany do Tiffany Studios sản xuất) năm 1906 với giá chỉ bằng một nửa so với chiếc đèn lớn bên trên. Năm 1910, mẫu đèn này chính thức dừng sản xuất.
Mặc dù mạng nhện không mấy được ưa chuộng trong trang trí nhà cửa nhưng Louis Comfort Tiffany đã “hô biến” họa tiết huyền bí này trở nên đắt giá. Những cây đèn mạng nhện nằm trong số những tác phẩm quý hiếm nhất của ông chủ Tiffany Studios.