Chiếc đèn bàn 'Pond Lily' (hoa súng) quý hiếm, ra đời vào khoảng năm 1903. Thủy tinh kết hợp với đồng. Cao 67,3 cm, đường kính chao đèn 45,7 cm. Được bán với giá 3.372.500 đô la ngày 13/12/2018 tại Christie’s, New York. |
Chiếc đèn ‘Pond Lily’ do Tiffany Studio thực hiện vào đầu những năm 1900, là một trong những tác phẩm đắt giá nhất và quý hiếm nhất do công ty sản xuất, khi đó được bán lẻ với giá 400 đô la. Chiếc đèn là một trong số 14 chiếc được cho là còn tồn tại - 5 trong số đó nằm trong các bộ sưu tập của bảo tàng, bao gồm cả Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan.
1. Nguồn gốc của Tiffany Studio
Louis Comfort Tiffany (1848-1933) - con trai của Charles Tiffany, người thành lập hãng trang sức nổi tiếng Tiffany & Company - là một nghệ sĩ, nhà trang trí và nhà thiết kế. Sau khi thành công trong sự nghiệp họa sĩ và trang trí nội thất, Louis quyết định chuyển sang thiết kế và sản xuất cửa sổ kính màu và đèn kính màu. Studio của ông đặt tại Queens, New York, đã sản xuất những loại đèn này và nhiều loại đồ vật trang trí khác trong gần 40 năm.
Đèn ‘Laburnum’ (cây kim tước hoa), sản xuất vào khoảng năm 1905. Thủy tinh kết hợp với đồng. Cao 196,8 cm, đường kính chao đèn 63,5 cm. Được bán với giá 400.000 đô la vào ngày 10/12/2021 tại Christie’s, New York. |
2. Tay nghề cao cấp
Tiffany đã thuê một số nghệ nhân giỏi nhất Hoa Kỳ để hiện thực hóa tầm nhìn thẩm mỹ của mình liên quan đến những tuyệt tác thủy tinh kết hợp với đồng. Việc chế tạo chao đèn là một quá trình tốn nhiều công sức, với từng phần kính nhỏ được lựa chọn cẩn thận từ hàng nghìn tấm có sẵn. Các chuyên gia của Christie's cho biết: "Các chao đèn tốt nhất thể hiện sự hài hòa tuyệt vời của các màu sắc đa dạng, với những tông màu tinh tế trong một đồ án hoa văn phức tạp."
Đèn bàn "Wisteria" (Hoa Tử đằng) với đế "Tree" (cây), sản xuất khoảng năm 1905. Thủy tinh kết hợp đồng. Cao 65 cm, đường kính chao đèn 46,9 cm. Được bán với giá 525.000 đô la từ Bộ sưu tập của Mary M. và Robert M. Montgomery, Jr. vào ngày 11/12/2020 tại Christie’s, New York. |
3. Về chân đèn (đế đèn)
Chân đèn có thể quan trọng tương tự như chao đèn - nếu không muốn nói là hơn. Hầu hết chân đèn được làm bằng đồng từ xưởng đúc của Tiffany ở Queens, trong khi một số có thể được tráng men hoặc khảm. Chân đèn có thể thay đổi, đi với nhiều mẫu chao đèn khác nhau, tuy nhiên các chuyên gia khuyên rằng mọi sự kết hợp không được làm ảnh hưởng đến thiết kế tổng thể. Nhiều thiết kế yêu cầu sự kết hợp giữa chao đèn và chân đèn nhất định: ví dụ: Chao đèn "Wisteria" luôn đi liền với chân đèn "Tree", trong khi hầu hết các chao đèn "Dragonfly" (chuồn chuồn) thường có thể được đặt trên nhiều loại chân đèn khác nhau.
Chiếc đèn bàn 'Apple Blossom' (Hoa táo) quý hiếm, sản xuất khoảng năm 1904. Thủy tinh kết hợp với đồng, đồng tráng men. Cao 67,3 cm, đường kính chao đèn 45,7 cm. |
4. Có thể thay thế hệ thống dây điện trong đèn được không?
Việc này có thể chấp nhận được và không ảnh hưởng đến giá trị nếu được thực hiện một cách cẩn thận. Điều quan trọng là phải đảm bảo đèn có thể được sử dụng một cách an toàn, nhưng những người sưu tập nên cảnh giác với việc làm xước sản phẩm, hoặc sử dụng các ổ cắm mới không phù hợp, dẫn đến làm giảm giá trị của sản phẩm.
Đèn bàn "Pebble" với đế "Pepper" (đá cuội), sản xuất vào khoảng năm 1901-1904. Thủy tinh pha đồng, đá cuội thạch anh, đồ đồng tráng men. Cao 55,88 cm, đường kính chao đèn 47 cm. Được bán với giá 537.500 đô la từ Bộ sưu tập của Mary M. và Robert M. Montgomery, Jr. vào ngày 11/12/2020 tại Christie’s, New York. |
5. Chiếc đèn Tiffany đắt nhất thế kỷ 20 được bán đấu giá
Một trong những chiếc đèn Tiffany giá trị nhất từng được bán có giá 2,8 triệu đô la tại một cuộc đấu giá của Christie’s vào năm 1997. Đèn “Pink Lotus” (Hoa sen hồng) là một mẫu rất hiếm và ít còn tồn tại cho đến ngày nay. Có rất nhiều yếu tố lạ thường trong thiết kế của "Pink Lotus", bao gồm cả phần chân đèn được khảm đẹp đến mức ngoạn mục.
Các mẫu thủy tinh kết hợp với đồng của Tiffany phổ biến hơn có thể được tìm thấy với giá khởi điểm khoảng 5.000 đô la.
Đèn ‘Lotus’ bằng thủy tinh kết hợp đồng và khảm, sản xuất vào khoảng những năm 1900-1910. Cao 88.3 cm, đường kính 71.1 cm. Được bán với giá 2,807,500 đô la vào ngày 12 /12/1997 tại Christie’s, New York. |
6. Tình trạng sản phẩm quan trọng như thế nào?
Như với bất kỳ đồ cổ nào, điều quan trọng là phải xem xét tình trạng của một chiếc đèn tiffany trong quá trình thẩm định. Các chuyên gia giải thích: "[Những] tạo tác này đã 100 năm tuổi, vì vậy bạn không nên mong đợi sự hoàn hảo". Thông thường, một vài vết nứt có thể chấp nhận được - chao đèn bị rời ra, hoặc các mảnh thủy tinh bị thiếu khuyết. Mặc dù vậy, một chiếc đèn như thế vẫn có thể đặt giá cao. Một chuyên gia nhớ lại, "Khi tôi mới bắt đầu làm việc tại Christie’s, tôi đã bán một chiếc đèn Tiffany từ một câu lạc bộ thành viên tư nhân ở Cleveland. Các quý ông đánh gôn trong câu lạc bộ và [những trái bóng] va vào đèn liên tục, vì vậy có khá nhiều vết lõm hình tròn trên chao đèn. Mặc dù vậy, nó vẫn nằm trên một đế đèn tuyệt đẹp, vì vậy chiếc đèn vẫn mang lại gần 400.000 đô la cho người sở hữu, ngay cả khi nó đã phải chịu đựng tất cả!"
7. Công việc trùng tu có thể ảnh hưởng đến giá trị không?
Điều quan trọng là phải kiểm tra đèn để tìm các dấu hiệu phục hồi, sửa chữa, mặc dù đôi khi rất khó để phát hiện ra những dấu hiệu này, đặc biệt nếu việc tu sửa thực hiện tốt. Việc sửa chữa trong quá khứ có xu hướng kém gọn gàng, sạch sẽ và tạo cảm giác liền mạch như việc trùng tu trong thời gian sau này. Phục hồi tốt có thể không ảnh hưởng đến giá trị của một tác phẩm. Tuy nhiên, như với bất kỳ đồ cổ nào, càng nhiều bộ phận nguyên bản càng tốt.
Đèn bàn"Arch & Leaf" (Vòm và lá) quý hiếm, sản xuất khoảng năm 1905. Kính nghệ thuật favrile, đồng tráng men. Cao 81,3 cm. Được bán với giá 300.000 đô la vào ngày 10/12/2021 tại Christie’s, New York. |
8. Cách phát hiện đồ giả
Có rất nhiều đồ giả đang lưu hành trên thị trường, với các mức độ chất lượng khác nhau. "Ngay cả các đối thủ của Tiffany cũng tạo ra những thiết kế tương tự, nhưng chúng ta bắt đầu thấy nhiều bản sao chép hơn vào những năm 1970." Có thể rất khó để phân biệt đâu là thật đâu là giả, thậm chí kể cả khi chiếc đèn có thể được đánh dấu là "Tiffany Studios", cũng không có gì đảm bảo về nguồn gốc và tính nguyên bản của sản phẩm. Một chuyên gia sẽ luôn xem xét kỹ thiết kế và tình trạng của đèn để xác định giá trị của nó. "Mỗi chiếc đèn đều yêu cầu sự giám sát chặt chẽ. Chúng tôi kiểm tra phần đồng, lớp gỉ, hoa văn, cách đúc của đế đồng và quan trọng nhất là loại và chất lượng của thủy tinh được sử dụng. Một số bản sao thực sự khá dễ phát hiện. Nhưng thường thì một con mắt được đào tạo sẽ là [vũ khí] cần thiết."
9. Đèn Tiffany có kết hợp hài hòa với khung cảnh không?
Đèn Tiffany rất thời trang trong xã hội New York vào thời điểm chúng được tạo ra, và vẫn được các nhà sưu tập săn lùng ngày nay. Chúng phù hợp trong tất cả các loại môi trường, không gian, chứ không chỉ trong những ngôi nhà đầy đồ cổ. "Những chiếc đèn này là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, giống như một bức tranh hoặc tác phẩm điêu khắc." Và, giống như một bức tranh hoặc tác phẩm điêu khắc, đèn Tiffany được sinh ra để trở thành "tiêu điểm của căn phòng".
Đèn chùm "Turtle-Back" (Mai rùa), sản xuất khoảng năm 1915. Thủy tinh kết hợp đồng và kính Favrile. Cao 38 cm, đường kính chao đèn 68 cm. Được bán với giá 500.000 đô la vào ngày 10/12/2021 tại Christie’s, New York. |
10. Tiffany Studio đã sản xuất những gì khác?
Tiffany Studio có lẽ được biết đến nhiều nhất với những chiếc đèn thủy tinh kính màu kết hợp với đồng, nhưng điều thú vị là Louis Tiffany có lẽ tự hào nhất về những chiếc bình thủy tinh thổi và cửa sổ kính kính màu của mình. Tranh khảm, gốm sứ, đồ tráng men và hàng hóa lạ mắt khác của studio cũng được hoan nghênh rộng rãi và rất được các nhà sưu tập ngày nay săn lùng.