Về Louis Comfort Tiffany, tác giả William mô tả, ông là một người đàn ông thượng lưu luôn tìm cách chia sẻ cái đẹp với cả thế giới, chứ không chỉ cho một số ít cá nhân giàu có.
Danh sách những khách hàng quyền lực và nổi tiếng của Tiffany những năm 1880 phải kể đến Nhà Trắng và nhà văn Mark Twain, Tiffany đã tạo ra những nội thất tuyệt đẹp làm hài lòng mọi vị khách đến với ông.
Ban đầu, những cây đèn của Tiffany được thắp sáng bằng khí đốt. Về sau, ông đã tạo ra những cây đèn Tiffany kính màu nhằm điều chỉnh, làm dịu bớt ánh điện có phần chói chang của Thomas Edison khi nhà sáng chế này thành công với phát minh của mình (1879). Kết quả cuối cùng lại cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật huy hoàng được bán với giá hàng triệu đô la Mỹ trong những cuộc đấu giá ngày nay.
Tuổi của những chiếc đèn nguyên bản, những lọ thủy tinh, cửa sổ kính màu cổ nhất rơi vào khoảng trên dưới 100 năm. Để xác định được đâu là những tác phẩm kính thủy tinh do chính hãng Tiffany Studio (đã đóng cửa sau khi Tiffany qua đời) làm ra là không hề đơn giản.
Trong phần mở đầu của "The Essential - Louis Comfort Tiffany", William Warmus đã đúc kết ra một số nét đặc trưng của thủy tinh/kính màu Tiffany:
1. Màu sắc như đá quý: Những bông hoa màu đỏ tựa ruby (hồng ngọc), những phiến lá mang màu emerald (ngọc lục bảo), và sapphire - đá quý làm nên sắc xanh của bầu trời. Màu sắc của những chiếc kính màu của Tiffany không bị lóa, không vẩn đục, mà luôn rõ ràng, sắc nét và toát lên vẻ tươi sáng.
2. Cảm hứng vô tận từ thiên nhiên: Chuồn chuồn, hoa mộc lan, hoa tử đằng và rất nhiều hình ảnh thiên nhiên luôn xuất hiện trong những chiếc đèn kính màu và cửa sổ kính màu của Tiffany.
3. Nghệ thuật đến từ những ngẫu nhiên và không hoàn hảo: Vào thời điểm mà nhiều thợ thủy tinh tìm kiếm sự hoàn hảo và cố gắng cho ra đời những mảnh thủy tinh ngày càng trong vắt như pha lê, thì Tiffany dường như lại đánh giá cao những vân sọc màu và những điểm không hoàn hảo trên mặt kính. Thậm chí, ông còn khuyến khích những nghệ nhân của mình "tạo ra những sự ngẫu nhiên", ngẫu hứng một cách nghệ thuật. Tiffany Studio từng cho ra đời sản phẩm cửa kính màu với những mảnh kính và những đường nứt nẻ, gọi là confetti glass (kính hoa giấy). Những mảnh kính này, William Warmus nhận định, có vẻ như được tạo thành từ sự "tận dụng" các mảnh kính từ sàn nhà xưởng chế tác.
4. Những chi tiết nhỏ tinh xảo ghép thành một tác phẩm lớn, thậm chí khổng lồ: dễ dàng nhận thấy các tác phẩm cửa sổ, đèn kính màu và tranh khảm của Tiffany được ghép lại từ những chi tiết nhỏ, và kết quả cuối cùng là một thành phẩm quy mô luôn khiến người xem phải trầm trồ ngưỡng mộ.
5. Bề mặt kết cấu các lớp kính: những hiệu ứng trên kính của Tiffany bao gồm các hiệu ứng thô (như kính mô phỏng đá cuội và nếp gấp), đến các bình thủy tinh thổi mịn, trông mềm mại mượt mà như lụa, đến các cửa sổ kính màu với các lớp kính chồng lên nhau tạo cảm giác tựa như khói hay sương mù.
6. Hiệu ứng tan chảy: Các chi tiết trong thủy tinh của Tiffany không chỉ có vẻ như hòa tan hoặc hóa lỏng vào nhau, chúng thực sự được hợp nhất với nhau trong quá trình hình thành thủy tinh nóng chảy ở nhiệt độ cao.
7. Sự mỏng manh: Tiffany nhận ra rằng vẻ đẹp của thủy tinh một phần bắt nguồn từ sự mong manh dễ nhận thấy của vật liệu này. Lấy ví dụ, những thân cây dài đang oằn xuống của lọ hoa khiến ta cảm thấy chúng dường như có thể gãy làm đôi dưới sức nặng của chính mình.
8. Sự chuyển động: Những cơn bão màu sắc cuốn hút trên những bình hoa, những họa tiết "lộng gió" trên những cây đèn và ánh nắng phản chiếu trên những khung cửa sổ kính màu đều tạo ra cảm giác chuyển động - giúp những tác phẩm của Tiffany sống mãi cả 100 năm và còn lâu hơn nữa.
Kính màu của Tiffany lại được chế ra từ quá trình tinh luyện silicat với những loại khoáng chất khác nhau để tạo thành màu sắc khác nhau. |
9. Độ hoàn thiện cao về cả vẻ đẹp lẫn chất lượng: thủy tinh phải trông thật lộng lẫy và được tinh luyện thật tốt, nếu không thì chúng không xứng đáng tồn tại.
William cho biết, Louis Comfort Tiffany được kể là đã đập vỡ mọi ô cửa sổ kính màu đang trong giai đoạn chế tác trong studio của mình, nếu ông "cảm thấy màu sắc không đúng".
10. Chữ ký: Chữ ký của Tiffany ở dưới đáy đèn, rất dễ (và thường xuyên) bị làm giả. Vì vậy, các chuyên gia hiếm khi sử dụng chữ ký của ông như một đặc điểm nhận dạng kính Tiffany nguyên bản. Họ thường dựa vào các yếu tố được liệt kê ở phía trên để hỗ trợ trong quá trình thẩm định giám tuyển của mình.