Trong tuyên bố ngày 29/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah cho biết đây cũng là một trong trọng tâm thảo luận của Ngoại trưởng Retno Marsudi trong cuộc họp giao ban quý I nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN vào đầu tháng 4 này. Cụ thể, ông Teuku cho hay những vấn đề được thảo luận tại Hội nghị Cấp cao (HNCC) ASEAN lần thứ 42 diễn ra từ ngày 9-11/5 tới tại Labuan Bajo bao gồm tăng cường thể chế ASEAN, soạn thảo Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025, phục hồi kinh tế hậu đại dịch, tăng cường cấu trúc y tế trong khu vực, bên cạnh các vấn đề quan trọng khác như tiến độ thực hiện Động thuận 5 điểm (5PC) về Myanmar và các diễn biến khác bên ngoài khu vực.
Các cuộc thảo luận về tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế ASEAN - một trong những sáng kiến của Indonesia, đã được khởi động vào năm 2022 với việc thông qua các khuyến nghị của Nhóm đặc trách cấp cao về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 (HLTF-ACV), với mục đích đưa ASEAN hoạt động hiệu quả hơn để vượt qua các thách thức trong 20 năm tới.
Theo ông Teuku, trong cuộc họp giao ban nói trên, Ngoại trưởng Retno đã nhấn mạnh: "Điều rất quan trọng là tăng cường năng lực của ASEAN và chúng tôi muốn làm cho ASEAN hoạt động hiệu quả hơn để có thể vượt qua các thách thức trong tương lai". Liên quan đến vấn đề này, Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN hiện đang được soạn thảo và dự kiến sẽ được thông qua tại HNCC ASEAN sắp tới. Việc thông qua văn kiện này sẽ củng cố và làm rõ nhiệm vụ của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trong việc theo dõi các khuyến nghị của HLTF.
HNCC ASEAN lần thứ 42 cũng sẽ thảo luận một số vấn đề quan trọng nhằm biến ASEAN trở nên vững mạnh hơn trước các thách thức, cũng như thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế khu vực, phù hợp với chủ đề của Năm chủ tịch ASEAN Indonesia 2023 "ASEAN tầm vóc: Tâm điểm tăng trưởng".