Kiểm tra chuyên ngành ngốn 28,6 triệu ngày công

(Ngày Nay) - “Mình phải nhìn thực tế của ngành mình, anh ở trên nói thế thôi chứ ở dưới không thế đâu” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: “Mình phải nhìn thực tế của ngành mình, anh ở trên nói thế thôi chứ ở dưới không thế đâu”
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: “Mình phải nhìn thực tế của ngành mình, anh ở trên nói thế thôi chứ ở dưới không thế đâu”

Sáng 21/8, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 11 bộ, ngành kiểm tra các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của các bộ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành

“Hiện nay có 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), một năm doanh nghiệp (DN) bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỉ đồng cho việc này. Như vậy đây đang là vấn đề Thủ tướng quan tâm, đặt vấn đề phải cắt giảm chi phí chính thức và không chính thức liên quan đến DN” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đặt vấn đề.

Để cụ thể hơn, ông Dũng dẫn chứng: “Một mặt hàng như chocolate cần 13 loại giấy phép; 12 nguyên liệu cần 12 loại giấy phép, cuối cùng phải xác nhận công bố thành phẩm. Mặt hàng sữa chua vừa phải kiểm dịch theo Bộ NN&PTNT, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) theo Bộ Y tế…”.

“Cứ chẻ ra như thế này thì không ổn” - ông Dũng nhìn nhận và đặt vấn đề: “Như vậy có hợp lý không? Tôi nghĩ DN làm lần đầu chắc mò mẫm đến hết đêm cũng không làm được, như vào rừng”.

Cùng đó, theo Bộ trưởng Dũng, vẫn còn tình trạng độc quyền trong đánh giá. Nói cách khác, cả nước tập trung vào một cơ quan kiểm định, giám định dẫn đến chi phí kiểm định rất lớn, hàng hóa phải vận chuyển từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc để kiểm định, giám định.

Quy định thì ngắn, thực tế thì kéo dài đủ kiểu

Là một trong những bộ có nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho hay bộ này đã tiến hành cải cách, cắt giảm rất nhiều thủ tục để tạo thuận lợi cho DN.

Nghe vậy, Bộ tưởng Mai Tiến Dũng ngắt lời: “Nếu theo báo cáo thì tốt quá, chả cần thay đổi gì đâu. Nghị định 38 thực hiện Luật ATTP đang có rất nhiều vấn đề. Theo quy định, thời gian kiểm tra chuyên ngành với thực phẩm thông thường là 15 ngày, thực phẩm bổ sung chất dinh dưỡng là 30 ngày nhưng trong thực tế kiểm tra chuyên ngành Bộ Y tế lại kéo dài thời gian, chẳng hạn đến ngày thứ 13 (với thực phẩm thông thường - PV) rồi, ông gọi DN đến bổ sung, lại tính từ đầu. Ngày 21 (với thực phẩm chức năng - PV) rồi, ông lại gọi DN đến bổ sung, lại tính từ đầu. Vài lần như vậy mất vài tháng”.

Giải trình thêm về vấn đề này, Cục trưởng ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết Luật ATTP quy định đối với sản phẩm thực phẩm đóng gói sẵn thì từng lô hàng đều phải có giấy chứng nhận ATTP. Hiện Bộ Y tế có 15 đơn vị thuộc Bộ, có cả DN kiểm tra rõ ràng nên không có chuyện độc quyền để DN phải mang mẫu từ Bắc vào Nam kiểm tra.

“Không phải đến mức như thế đâu, cục trưởng ạ. Cũng không nên bao biện quá chuyện ấy. Mình phải nhìn thực tế của ngành mình, anh ở trên nói thế thôi chứ ở dưới không thế đâu. Chi cục ATTP của Sở Y tế lấy mẫu bún, phở về không có labo, không xử lý được phải mang lên Hà Nội kiểm tra. Nếu tốt như thế thì DN chả phải kêu” - Bộ trưởng Dũng ngắt lời và đề nghị ông Phong bình luận về việc mặt hàng chocolate phải chịu 13 giấy phép của Bộ Y tế.

Cục trưởng Cục ATTP cũng khẳng định ông không rõ thông tin mặt hàng chocolate cần 13 giấy phép có từ đâu. “Một sản phẩm có thể có rất nhiều đầu nguyên liệu, DN tự kê khai, bảng kê hoàn toàn không phải xin giấy phép. Nếu có chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay” - ông Phong khẳng định.

“Việt Nam đâu có như Nhật Bản”

Bàn thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng xuất nhập khẩu đối với thực phẩm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng các nhà sản xuất đã có tiêu chí, tiêu chuẩn công bố độ an toàn. “Nếu lấy việc sử dụng rau hai, ba luống; bơm tạp chất trong tôm làm cơ sở để viện giải rằng sử dụng thủ tục này là cần thiết thì theo tôi, cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo vệ cho việc này không gắn với nhau” - TS Nguyễn Đình Cung nói.

“Thủ tục này năm năm rồi, DN phàn nàn về thủ tục này rất nhiều. Tôi cho là phàn nàn của họ là đúng, hoàn toàn chính xác” - ông Cung nhận định và cho rằng phản ứng của DN xoay quanh thủ tục “năm không”: Không hợp pháp, không hợp lý, không minh bạch, không tiên lượng trước được, không hiệu lực và không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong sau đó cho rằng không thể nhận định là “không phù hợp với thông lệ quốc tế”. Ông Phong cho biết chỉ có Nhật Bản và một số nước phát triển châu Âu, trong ASEAN có Singapore đã chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Còn lại tất cả từ Trung Quốc đến Thái Lan, Philippines trên từng sản phẩm đều có số giấy phép sản xuất trên mã sản phẩm.

 “Tôi nói để các anh chia sẻ, cơ quan quản lý nhà nước cực kỳ áp lực. Còn các anh nói đề nghị thay đổi phương thức bằng cách khác phù hợp hơn thì xin các đồng chí đề xuất xem là phương thức nào?” - Cục trưởng Phong nói.

Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nói: “Chúng tôi đề nghị là thay giấy xác nhận đó bằng việc DN gửi thông báo cho Bộ Y tế và công bố trên nhãn hàng, bao bì, tài liệu kèm theo theo đúng định mức như anh nói. Căn cứ vào cái đó để cơ quan chức năng đi kiểm tra, không cần chờ cấp giấy chứng nhận, xác nhận nữa thì có được không?”.

Ông Phong cho rằng muốn thực hiện “hậu kiểm” thì phải bảo đảm hai yếu tố. Một là ý thức chấp hành pháp luật của DN, hai là lực lượng quản lý. “Ở Nhật Bản làm gì có bơm tạp chất vào tôm, làm gì có rau hai luống, lợn hai chuồng, làm gì có lợn xề thành thịt bò…” - ông Phong so sánh.

Cũng theo cục trưởng, xét về nguồn lực, Nhật Bản có 12.000 thanh tra chuyên ngành về ATTP, còn ở Việt Nam chỉ có 400. Nhật Bản chi một lượng tiền khổng lồ mua mẫu để hậu kiểm và xét nghiệm trong khi kinh phí của Việt Nam dành cho ATTP mới tạm ứng được được hơn 20% của năm 2016.

“Theo tôi, ở Việt Nam chưa làm được như thế. Còn khi các đồng chí báo cáo, chúng tôi cũng báo cáo, Chính phủ quyết định làm như thế thì chúng tôi thực hiện ngay. Chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ sửa ngay lập tức, không bao biện, không bảo thủ” - ông Phong kết luận.

"5.917 là số điều kiện kinh doanh Thủ tướng yêu cầu rà soát, cắt giảm", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Theo Pháp Luật TP.HCM

Ảnh minh họa
Sự kế thừa, phát triển những giá trị của Quốc hiệu Việt Nam trong bối cảnh hiện nay
(Ngày Nay) - Trải qua quá trình lao động sản xuất không ngưng nghỉ nhằm thích ứng với tự nhiên và ứng phó với những yếu tố bên ngoài, sự xuất hiện của quốc hiệu Việt Nam là thành quả nỗ lực lớn lao của cộng đồng người Việt, mở ra trang mới trong lịch sử dựng nước, giữ nước dân tộc ta.
Đoàn tàu của ngư dân Cảng Trần Đề (Sóc Trăng) đang di chuyển thỉnh Ông ngoài tại Lễ hội Nghinh Ông.
Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải thu hút du khách gần xa
(Ngày Nay) - Ngày 29/4, tại thị trấn Trần Đề, UBND huyện Trần Đề (Sóc Trăng) tổ chức lễ hội Nghinh Ông Nam Hải năm 2024. Đây là một trong những lễ hội lớn ở khu vực duyên hải Tây Nam Bộ, với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, biển lặng, gió hòa, ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đối với người trẻ Trung Quốc, sự độc lập của cá nhân là nền tảng và ưu tiên hàng đầu của việc hẹn hò và các mối quan hệ. Ảnh: Weixin
Trung Quốc: Giới trẻ chuộng hẹn hò "độc thân"
(Ngày Nay) - Giới trẻ ở Trung Quốc đang ngày càng áp dụng những cách tiếp cận mới trong việc hẹn hò và xây dựng các mối quan hệ, sự thay đổi được phản ánh qua việc dân số độc thân ở nước này ngày càng gia tăng.
Ấn tượng và tự hào về Carnaval đầu tiên trên biển tại Quảng Ninh
Ấn tượng và tự hào về Carnaval đầu tiên trên biển tại Quảng Ninh
(Ngày Nay) - Với chủ đề “Bừng sáng cùng Kỳ quan”, Carnaval Hạ Long 2024 diễn ra vào tối 28/4, tại khu du lịch Bãi Cháy, lần đầu tiên được tổ chức trên biển được ví như bữa tiệc của âm nhạc và ánh sáng, đã mang tới cho du khách nhiều cảm xúc về vùng đất Quảng Ninh với nhiều nét văn hóa đặc sắc, khởi động một mùa du lịch mới.