Vốn dĩ từ trước đến nay, hai cường quốc này vẫn duy trì một chiến tranh thương mại bằng cách áp đặt hàng tỷ đô la thuế lên hàng hóa của nhau.
Cuối tuần vừa qua, một thỏa thuận “đình chiến” tạm thời đã được thống nhất giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc họp G20 ở Argentina.
Tuy nhiên, mối lo ngại vẫn còn tiếp diễn khi mà thông tin từ cả hai phía lại quá trái ngược nhau.
Mỹ và Trung Quốc cuối cùng cũng tạm ngưng tình trạng thù địch sau nhiều tháng “ăn miếng trả miếng” nhau về thuế quan. Đồng thời, hai bên nhất trí sẽ hoãn lại mọi mức thuế mới trong vòng 90 ngày.
Điều này nhằm ngăn cản sự căng thẳng leo thang trong cuộc chiến thương mại, khi mà mới đầu năm nay, hàng hóa Trung Quốc đã bị tăng thuế lên khá nhiều, và các loại thuế quan khác cũng đang bị đe dọa.
Kể từ buổi họp mặt vừa rồi, ông Trump cũng đã đề cập chi tiết thêm trên trang Twitter của mình – song, một vài thông tin của ông lại không hề đồng nhất với những thông tin từ các quan chức Nhà Trắng, và phía Bắc Kinh vẫn chưa bình luận gì về việc này.
Xích mích thuế quan: chưa bao giờ là đủ! |
Sự mâu thuẫn trên đã đặt ra một loạt câu hỏi về việc: liệu buổi đàm phán có thành công trong việc chấm dứt chiến tranh thương mại hay không; bởi lẽ nó đã gây tổn hại tới khá nhiều các ngành công nghiệp, cũng như làm tăng thêm nỗi lo xáo trộn kinh tế toàn cầu.
Chiến tranh thương mại là gì?
Mỹ phát biểu rằng, các hoạt động thương mại không công bằng từ phía Bắc Kinh đã gây ra thâm hụt kinh tế nghiêm trọng, và cáo buộc Trung Quốc về tội ăn cắp tài sản trí tuệ.
Kể từ tháng Bảy, Mỹ đã đánh thuế tận $250 tỷ đối với hàng hóa Trung Quốc. Trong khi đó, phía Trung Quốc thì chỉ trích Mỹ vì cho rằng nước này đã tạo nên “một cuộc chiến tranh thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế”. Trung Quốc cũng nhanh tay “trả đũa” Mỹ bằng cách đánh tổng giá trị thuế $110 tỷ lên hàng hóa đối thủ.
Tuy nhiên, bên cạnh những lời cáo buộc rõ rệt về kinh tế, thì nhiều người tin rằng mâu thuẫn của hai cường quốc còn xuất phát từ nhiều nguyên do khác nhau.
Một phần của thỏa thuận đình chiến là gì?
Nhà Trắng nói rằng trong số các vấn đề đã được đàm phán, phía Trung Quốc đồng ý sẽ mua “một phần đáng kể, nhưng chưa quyết định bao nhiêu” các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, và năng lượng từ phía Mỹ để giảm thiểu sự mất cân bằng thương mại giữa hai bên.
Bắc Kinh cũng đã đồng ý sẽ nói chuyện ngay về các vấn đề như: thay đổi cấu trúc liên quan đến chuyển giao công nghệ bắt buộc, bảo vệ sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, xâm nhập và trộm cắp không gian mạng.
Trung Quốc đồng ý mua thêm hàng hóa từ Hoa Kỳ. |
Kể từ buổi họp mặt Mỹ–Trung tại Argentina, ông Trump cũng rất tích cực cung cấp thêm thông tin về các cuộc đàm phán trên Twitter.
Ngài Tổng thống Mỹ nói rằng, thỏa thuận 90 ngày đình chiến với Trung Quốc đã bắt đầu, và phía Trung Quốc sẽ sớm mua các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ “ngay lập tức”.
Thoạt nghe thì có vẻ lạc quan, nhưng ông không quên nhắc lại lập trường cứng rắn của mình.
“Chủ tịch Tập Cận Bình và tôi đều muốn cuộc đàm phán này trót lọt, và có lẽ sẽ là như vậy. Nhưng đừng quên, tôi là con người của thuế quan.” Ông Trump phát biểu.
“Khi các quốc gia khác có ý định nhăm nhe sự hưng thịnh của nước tôi, tôi muốn họ phải trả tiền để có những đặc quyền tương ứng.”
Đầu tuần này, ông Trump cũng nói rằng phía Trung Quốc đã đồng ý sẽ “loại bỏ và giảm trừ” 40% thuế quan đối với xe hơi Mỹ được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn im lặng và chưa đưa ra lời phát ngôn nào về loại thuế trên, hay thời hạn đình chiến 90 ngày.
Vậy Trung Quốc đã nói gì?
Sau buổi nói chuyện tại G20, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng nói với các phóng viên rằng “thỏa thuận căn bản đã thành công trong việc ngăn chặn mối căng thẳng thương mại gia tăng giữa hai quốc gia”.
Trong một tuyên bố của Bộ thương mại hôm thứ Tư vừa rồi, thì các quan chức Trung Quốc gọi buổi nói chuyện giữa hai vị lãnh đạo là “một thành công lớn”.
Có hay không một sự dàn xếp thỏa đáng? |
Hai cường quốc sẽ thúc đẩy thêm các cuộc đàm phán khác trong 90 ngày, và Trung Quốc cũng sẽ thực hiện các thỏa thuận mà họ đã đồng ý “càng sớm càng tốt”, lời tuyên bố cho biết.
Trong khi đó, ông Robin Brant của đài BBC Thượng Hải lại nói rằng, ý kiến từ phía Trung Quốc không hoàn toàn đồng tình với Mỹ.
“Đúng là Trung Quốc sẽ sớm thực hiện các cam kết thương mại giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên, không có chuyện “ngay lập tức” như các quan chức cấp cao của Mỹ nhấn mạnh.” Ông Brant nói.