Đài phát thanh và truyền hình KBS đưa tin, kể từ khi bệnh nhân thứ hai nhiễm virus corona chủng mới, còn gọi là bệnh viêm phổi Vũ Hán, được phát hiện tại Hàn Quốc, lo ngại về tác động tiêu cực của tình hình dịch bệnh lên nền kinh tế ngày càng gia tăng. Thị trường tài chính toàn cầu đang chao đảo vì dịch viêm phổi Vũ Hán.
Trong phiên giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên đán ngày 28/1, chỉ số chứng khoán đã có xu hướng giảm, trong khi tỷ giá hối đoái won-USD tăng mạnh.
Tình hình dịch bệnh lây lan ngày càng nghiêm trọng đã làm dấy lên lo ngại về nền kinh tế, bởi do tác động của dịch bệnh, hoạt động kinh tế sẽ giảm sút gây ra bất ổn thị trường, và triển vọng tăng trưởng kinh tế cũng giảm.
Chịu thiệt hại đầu tiên chính là các ngành dịch vụ như du lịch, kinh doanh khách sạn và nhà hàng.
Trước đó, khi virus gây Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính (SARS) và virus gây Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) lây lan mạnh ở Hàn Quốc, ngành dịch vụ đã phải hứng chịu thiệt hại.
Trong đợt bùng phát SARS năm 2002-2003, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và Hong Kong đều giảm khoảng 3%.
Đặc biệt là vào năm 2003, du lịch của Trung Quốc lần đầu tiên tăng trưởng âm trong vòng 10 năm, và các lĩnh vực trong ngành này đều chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Các chuyên gia nhận định so với dịch bệnh SARS, dịch viêm phổi do chủng virus corona mới có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng hơn đối với kinh tế toàn cầu, vì Trung Quốc đang chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế thế giới.
Được biết, Trung Quốc chiếm 8,9% tỷ trọng kinh tế toàn cầu năm 2003, thời điểm bệnh SARS bùng phát, nhưng đến nay đã lên tới 20%.
Cùng với đó, ngành du lịch chiếm 39% tỷ trọng kinh tế trong nước Trung Quốc năm 2003, nhưng đã tăng lên mức 59% vào năm ngoái.
Ngành xuất khẩu và du lịch của Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, nên có thể Seoul sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán./.