“Bố ơi, con chán”
Đây là câu nói khiến anh Nicholas Mia - một nhà tâm lý học sinh sống tại thành phố Manchester (Anh) - phải đau đầu nhiều ngày qua khi 2 đứa con, một đứa 7 tuổi và một đứa 10 tuổi phải ở nhà mặc dù kỳ nghỉ hè đã đến. Anh chia sẻ, chưa bao giờ hai đứa trẻ lại có quá nhiều thời gian rảnh rỗi đến vậy và làm thế nào để chúng có thể dùng hết quỹ thời gian này. Do đó, câu mà chúng thường xuyên thốt ra đó là “ Bố ơi, con chán, chả có gì để làm”.
Là một nhà tâm lý học nên anh Nicholas Mia cũng có nhiều cách để giúp cho 2 đứa trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn này với các ý tưởng mới, thậm chí bỏ cả công việc đang làm để chơi với chúng. Tuy nhiên, anh và vợ anh cũng phải làm việc tại nhà nên cũng không thể trở thành một người bạn toàn thời gian với bọn trẻ. Đặc biệt là sau khi trường học bước vào giai đoạn nghỉ hè, bọn trẻ không có bài tập và có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn. Vì vậy, mặc dù là một nhà giáo dục chuyên nghiệp, anh Nicholas Mia cũng phải thừa nhận rằng đây là một thực tế và đứa trẻ buộc phải chấp nhận như một kinh nghiệm sống đáng quý để chúng phải học cách vượt qua.
Gia đình anh Nicholas Mia vẫn may mắn khi cả anh và vợ đều được làm ở nhà và vẫn có thời gian dành cho bọn trẻ. Đối với nhiều gia đình bố mẹ vẫn phải đi làm, giúp những đứa trẻ không bị buồn chán thực sự là một bài toán đau đầu.
Chị Sherita Morgan - sinh sống tại bang Tennessee của Mỹ - cho biết, cứ vào mùa hè hàng năm, 3 đứa con của chị sẽ luôn bận rộn với một lịch trình kín mít trong ngày như chơi bóng đá, thể dục dụng cụ, khiêu vũ hay các kỳ nghỉ tại bãi biển. Tuy nhiên năm nay bọn chúng phải ở nhà và hầu như dành thời gian ngồi trước màn hình máy tính hay điện thoại. Chị Sherita Morgan chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất tệ khi nhìn thấy những đứa trẻ vùi đầu vào máy tính nhưng tôi không biết làm gì khác. Đó không phải là lỗi của chúng, vì bọn trẻ phải ở nhà suốt mùa hè dài. Biết là vậy, nhưng về mặt tinh thần thực sự là một thử thách cho cả gia đình tôi”.
Các chuyên gia tâm lý học cảnh báo việc để trẻ ở nhà kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Ngày càng có nhiều em nhận thức được tình trạng khẩn cấp về sức khỏe và tìm kiếm sự hỗ trợ. Childline, đường dây trợ giúp điện thoại khẩn cấp 24/24 giờ cho trẻ em ở Ấn Độ, đã ghi nhận số cuộc gọi đến tăng 50% kể từ khi lệnh phong tỏa được triển khai. Việc dành nhiều thời gian hơn trên mạng xã hội cũng khiến những đứa trẻ đối mặt với nguy cơ như dễ bị bóc lột tình dục, dụ dỗ và lừa gạt, tiếp xúc với những nội dung độc hại, bạo lực trên mạng…
Đối với các gia đình khá giả, làm thế nào để trẻ chơi vui và an toàn trong mùa dịch là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên cũng có nhiều lo ngại về nguy cơ trẻ em có thể bị bóc lột lao động trong kỳ nghỉ hè. Khi áp lực đè nặng lên vai các gia đình có thu nhập thấp, trẻ em có thể buộc phải làm việc để tăng thu nhập hoặc là nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình. Cha mẹ mất việc làm, khó khăn kinh tế và các biện pháp cách ly làm không khí gia đình thêm căng thẳng, dẫn đến những hành vi bạo lực đối với trẻ. Cụ thể trong giai đoạn phong tỏa vừa qua, tại nhiều quốc gia đã chứng kiến tình trạng bạo lực gia đình tăng mạnh, trong đó trẻ em cũng là nạn nhân.
Mùa hè không buồn
Vượt qua sự buồn chán trong mùa COVID-19, những đứa trẻ Ai Cập đã tìm cách lấp đầy bầu trời bằng những cánh diều đầy màu sắc. Anh Atef - sống ở quận Imbaba, phía tây Cairo - đã dạy con trai của mình cách thả diều từ nóc của tòa nhà nơi anh sinh sống. Đây là hoạt động ngoài trời duy nhất không tốn tiền và dễ thực hiện. Chỉ với các mảnh gỗ nhựa hoặc tre mỏng, giấy và tự mình trang trí, những đứa trẻ đã có một chiếc diều rực rỡ đầy màu sắc. Thú vui bình dân này khá phổ biến tại các khu dân cư thuộc tầng lớp lao động nghèo tại thủ đô Cairo, nơi sân chơi, không gian xanh và khu thể thao gần như không tồn tại hoặc rất tốn kém.
Ở nhà là nhàm chán nhưng đối với nhiều chuyên gia tâm lý, đây cũng là cơ hội để mở ra cánh cửa cho sự sáng tạo và tưởng tượng. Ngoài việc dán mắt vào màn hình TV hay điện thoại di động, đây là thời điểm cho phép trẻ em có cơ hội rèn luyện các kỹ năng xã hội, phát triển khả năng điều tiết cảm xúc và giải quyết các vấn đề mình phải đối mặt. Điều này có hiệu quả ngay cả khi trẻ chơi một mình - sử dụng búp bê hay các nhân vật giả tưởng khác.
Trở lại với nhà tâm lý học người Anh - anh Nicholas Mia, khi viết những dòng chữ chia sẻ này, thỉnh thoảng anh lại quan sát xem cô con gái nhỏ đang làm gì. Cô bé đang ở trong sân mặc dù trời đang mưa và sử dụng một chiếc xẻng để đào hố. Trước đó cô bé nói với bố rằng “ con sẽ đi ra ngoài, ở nhà chán quá”. Sau khi nhận ra rằng ra ngoài cũng không có hoạt động giải trí nào, cô bé bắt đầu tự tìm cách để vượt qua nỗi buồn. Hì hục đào đống đất bùn nhão nhoét, người bẩn lem luốc, cô bé thỉnh thoảng lại ồ lên sung sướng khi tìm ra được một viên sỏi hay thứ gì đó mà cô cho rằng rất quý giá. Có vẻ như cô gái nhỏ đã tìm được niềm vui từ những điều đơn giản nhất.
Anh Nicholas Mia cho rằng, đứa trẻ đã tự tìm cách để vượt qua sự nhàm chán của mình. Đây cũng là một bài học trưởng thành quan trọng của trẻ, cuộc sống không phải lúc nào cũng vui vẻ hay giải trí, điều này phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng thời gian của mình ra sao và vượt qua những khó khăn đó như thế nào.
Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vừa qua đã thực hiện một chiến dịch “Em làm gì trong mùa COVID-19” với việc chia sẻ các video hoạt động của trẻ em tại nhiều nước từ I-rắc tới Nam Phi, về cách chúng vượt qua sự nhàm chán khi ở nhà mùa COVID-19.
Bé Joakim 5 tuổi tại Nam Phi hào hứng cho biết đã giúp bố mẹ vẽ bản đồ để đi tìm kho báu cùng với cô em gái nhỏ. Bé cũng thường xuyên liên lạc với bạn bè và cô giáo qua mạng. Cô bé Saira 6 tuổi tại Ấn Độ lại luôn bận rộn với “tạp chí” của riêng mình. Cô cho biết hàng ngày phải viết bài và trang trí cho “tạp chí” của mình nên tốn rất nhiều thời gian. “Cháu còn muốn làm nhiều thứ nữa mà chưa có thời gian như nhảy, chơi đàn Harmonica, vẽ, đan ….” Saira chia sẻ. Trong khi bạn Cornell 12 tuổi ở Cộng hòa dân chủ Công-gô cho biết : “Chúng cháu ở đây không có mạng, vì vậy khi trường học đóng cửa, cháu dành thời gian để vẽ và trồng cây”.
Có thể nói mỗi đứa trẻ là một cá thể khác biệt. Chúng luôn tìm tòi và sáng tạo ra cách riêng của mình để giúp mùa hè không buồn chán vì dịch COVID-19.
Đồng hành và chia sẻ cùng con
Không phải tất cả các hoạt động giải trí đều bị dừng lại trong mùa COVID-19. Vẫn có những cách để hưởng kỳ nghỉ của mình một cách an toàn với các chuyến đi du lịch đến những vùng đồng quê trong lành hay các khu nghỉ dưỡng không quá đông đúc.
Hãy lên kế hoạch một cách cẩn thận và tìm hiểu trước trước thông tin, gia đình cùng với những đứa trẻ vẫn có thể thực hiện một chuyến du lịch vui vẻ mà an toàn. Tuy nhiên nếu không có đủ thời gian và công sức hay tiền bạc để đầu tư một chuyến đi xa, vẫn có những cách đơn giản giúp trẻ “ vui mà vẫn an toàn” trong mùa dịch:
- Hãy cho trẻ tham gia các lớp học trực tuyến về dạy nghề hay kỹ năng sống. Bố mẹ cần phải quản lý chặt chẽ việc tham gia các lớp, về độ tuổi cũng như nội dung. Các khóa học này sẽ giúp những đứa trẻ học được các kỹ năng cần thiết mà chúng còn thiếu khi ngồi trên ghế nhà trường.
- Chơi các trò chơi kích thích trí tuệ: đây là thời điểm lý tưởng để cha mẹ tham gia cùng con vào các trò chơi trí tuệ như cờ vua, Lego, trò chơi xếp chữ, v.v. Các trò chơi này giúp kích thích trí tuệ và cải thiện sự tập trung của trẻ. Trẻ em tham gia vào các trò chơi này không chỉ thúc đẩy sự sáng tạo mà còn giúp chúng bận rộn và linh hoạt hơn.
- Vận động là điều không thể thiếu: Hãy giúp trẻ vận động nhiều nhất có thể, chơi các môn thể thao trong nhà, có thể cùng con tập yoga và thiền để làm dịu các giác quan và bảo vệ sức khỏe tinh thần cho trẻ. Hãy đảm bảo những đứa trẻ phải tập thể dục ít nhất 10 đến 15 phút mỗi ngày để giúp chúng linh hoạt và nhanh nhẹn hơn. Nếu nhà bạn có sân, sẽ là nơi lý tưởng để thực hiện các trò chơi vận động. Nếu không, hãy tận dụng bất cứ cơ hội nào để đưa trẻ đến công viên vào thời điểm không có quá nhiều người.
Mỗi đứa trẻ đều có cách của riêng mình để vượt qua những khó khăn trong giai đoạn này. Tuy nhiên sự hỗ trợ và chia sẻ của cha mẹ có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhà tâm lý học giáo dục Lia Daniels cho rằng, trẻ nhỏ vượt qua sự nhàm chán hay nỗi buồn nhanh hơn nhiều so với người lớn, đặc biệt là có sự giúp đỡ và quan tâm của cha mẹ. Cách cha mẹ gợi ý sẽ giúp tạo ra những ý tưởng sáng tạo của trẻ. Ví dụ hãy đổ đầy nước vào bình và đưa cho trẻ một khẩu súng phun nước, chúng sẽ tự tìm ra cách chơi của riêng mình.
Để không phải nghe quá nhiều những câu phàn nàn “Con chán quá, chả có gì để làm”, bạn có thể đưa ra một lịch trình thời gian biểu cho con. Điều này cũng không có nghĩa là cha mẹ luôn vạch ra kế hoạch để bọn trẻ thụ động tuân theo. Tuy nhiên, hãy xác định những việc chính chúng cần phải làm trong ngày và có những khoảng “tự do” để chúng mặc sức sáng tạo.
Đối với những đứa trẻ lớn hơn, điều chúng luôn mong chờ mỗi khi mùa hè đến là tham gia các trại hè, các môn thể thao đồng đội hoặc đi dã ngoại. Do đó, cha mẹ cần quan tâm đến hoạt động mang tính cách độc lập của trẻ. Những cuộc trò chuyện để nắm bắt tâm lý trẻ là điều quan trọng, cho phép chúng làm những điều cần sự kết nối nhiều hơn như dành thời gian trên máy tính để trò truyện với bạn bè hay tập các môn thể thao vận động như đạp xe, chạy bộ, leo núi….
Đây cũng là thời điểm tốt để khuyến khích những thanh thiếu niên này thể hiện đam mê hoặc sở thích như nấu ăn hoặc làm vườn.
Dành thời gian và đồng hành cùng với trẻ là điều cần thiết trong giai đoạn khó khăn này, sớm nhận biết những dấu hiệu tâm lý của trẻ để xử lý kịp thời. Hãy tạo điều kiện cho trẻ bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của mình và được lắng nghe. Cha mẹ hãy tạo một môi trường nơi trẻ em có thể thể hiện hết khả năng, được vui chơi, phát triển an toàn và khỏe mạnh.