Lọt qua được vòng 1 nhưng đến vòng 2 thẩm định, sách Đạo đức do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên cũng bị các thành viên của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa đánh giá Không đạt.
Lệch từ “hướng dẫn sử dụng sách và lời nói đầu”?
Theo hội đồng thẩm định, về nội dung SGK, một số chủ đề thể hiện chưa đúng, đủ và chính xác các yêu cầu cần đạt của chương trình môn học.
Về phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục trong SGK, hội đồng đánh giá nội dung của nhiều hoạt động trong bài học chưa tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, chưa tạo cơ hội và khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo.
Nhiều câu hỏi, bài tập, hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu về đánh giá kết quả giáo dục được quy trình trong chương trình môn học; chưa bảo đảm vừa là công cụ tổ chức dạy học tích cực, vừa là công cụ kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học ở cả trên lớp và ngoài lớp học. Cụ thể, tên của nhiều hoạt động không phù hợp, không rõ cách tổ chức và yêu cầu thực hiện hoạt động. Các bài tập trả lời câu hỏi tại sao đều đưa ra các đáp án đúng có sẵn (29/32 bài có câu hỏi dạng này). Sử dụng nhiều câu hỏi Có/không (21/32 bài có câu hỏi dạng này). Nhiều bài học thiếu hoạt động luyện tập hoặc hoạt động thực hành. Một số hoạt động luyện tập và thực hành không phù hợp. Nhiều hoạt động mô phỏng mang tính áp đặt cho học sinh. Nhiều bài học thiếu hoạt động vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn ngoài lớp học (20/32 bài).
Về cấu trúc SGK, theo bản mẫu, nội dung hướng dẫn sử dụng sách và lời nói đầu chưa thể hiện đúng với định hướng đổi mới phương pháp dạy học của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình môn học.
Cấu trúc bài học chưa đảm bảo theo đúng quy định của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (chưa được thiết kế theo các hoạt động: khám phá vấn đề, luyện tập, thực hành) và không đủ các thành phần cơ bản (mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng).
Cụ thể, hoạt động đầu tiên của nhiều bài học (17 bài) không đáp ứng được yêu cầu của phần mở đầu. Một số bài học thiếu hoặc có hoạt động luyện tập sơ sài. Số khác bài học thiếu hoạt động thực hành.
Từ ngữ và tình huống không phù hợp
Về ngôn ngữ sử dụng trong SGK và hình thức trình bày, theo hội đồng, bản mẫu sách của GS Hồ Ngọc Đại còn sử dụng một số từ ngữ chưa phù hợp với học sinh lớp 1 như từ “mô phỏng”, “sống tốt”, “quy trình”, “công dân”.
Ngoài ra, một số câu hỏi và tình huống không phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và điều kiện sống của học sinh, như: Em đã bao giờ bị điện giật chưa? Em đã bao giờ bị bỏng chưa? Em đã bao giờ bị ngộ độc thực phẩm chưa? Em có anh chị em ruột không? Em có em ruột không?...
Thực tế, các tác giả bản mẫu SGK Đạo đức Công nghệ giáo dục đã nghiên cứu ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định vòng 1 và sửa chữa. So với vòng 1, bản mẫu SGK vòng 2 đã được chỉnh sửa khá nhiều.
Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định kết luận, nhiều nội dung chỉnh sửa chưa đảm bảo đúng, chính xác theo các góp ý sửa chữa, đặc biệt là việc bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình môn học, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả trong SGK về cấu trúc bài học.
“Bản mẫu SGK vòng 2 vẫn còn nhiều lỗi cần phải đầu tư nhiều thời gian để điều chỉnh, hoàn thiện. Như vậy, ở thời điểm hiện tại, bản mẫu SGK chưa đáp ứng được các quy định của Thông tư 33, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình môn học Đạo đức lớp 1… Các tác giả có thể tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện để thẩm định trong thời gian tới”, biên bản họp hội đồng kết luận.
Điều này được cả 8 thành viên Hội đồng có mặt tham gia đánh giá với kết quả Không đạt.