Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông 2017, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) cho biết đơn vị đã nghiên cứu nhu cầu, khả năng chi tiêu của người Việt Nam với ngành hàng nhu yếu phẩm hàng ngày.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang dành 60% thu nhập hàng tháng cho nhu yếu phẩm tối thiểu. Riêng sản phẩm của Masan, mỗi người Việt đang trả 2 USD/tháng. Và mục tiêu doanh nghiệp này đặt ra đến năm 2020, mỗi người tiêu dùng có thể chi thấp nhất 10 USD/tháng mua các sản phẩm của Masan.
Ông Quang cho biết tham vọng của doanh nghiệp hướng là đến năm 2020, phần lớn người Việt đều biết đến và sử dụng các sản phẩm của Masan, riêng tại một số nước Asean thì ít nhất có 1 sản phẩm được dùng thông dụng.
Năm 2017, Masan mở rộng sang ngành hàng thịt và các sản phẩm từ thịt bên cạnh những mặt hàng thực phẩm và đồ uống quen thuộc.
Với ngành hàng mới này, doanh nghiệp sẽ chưa có dự kiến doanh thu và lợi nhuận, mà tập trung vào nhu cầu, dinh dưỡng của người dùng, xây dựng hệ thống phân phối.
Một lĩnh vực khác cũng được nhắc tới là các sản phẩm nước uống, trong đó có nước uống dinh dưỡng dành cho khách hàng lớn tuổi, nước uống sạch cho khu vực nông thôn
Tại đây, ông Nguyễn Đăng Quang cũng chia sẻ về việc dự án nuôi lợn công nghệ cao 1.000 tỷ đồng tại Nghệ An vừa bị dừng thi công. Vị này cho biết hiện nay, dự án đã chấp thuận quy định của cơ quan chức năng để hoàn thiện một số thủ tục pháp lý. Việc bị “tuýt còi” có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án khoảng 2-3 tuần.
“Đây là bài học cho doanh nghiệp khi sốt ruột, vội vã đẩy nhanh thi công để kịp cung ứng nguyên liệu cho dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ thịt mà chưa hoàn tất thủ tục theo quy định của Nhà nước”, ông Quang nói.
Một vấn đề được các cổ đông quan tâm là câu chuyện thanh tra nước mắm và cuộc chiến nước mắm truyền thống, nước mắm công nghiệp cuối năm 2016 được cho là có liên quan đến Masan.
Ông Nguyễn Đăng Quang khẳng định những lùm xùm nước mắm không ảnh hưởng tới doanh số và thị phần của doanh nghiệp thời điểm này. Tuy nhiên, nhìn sâu hơn thì việc ảnh hưởng là có, do sản phẩm bị cạnh tranh, hàng cùng phân khúc ngày càng nhiều nên việc chia bớt khách hàng là không tránh khỏi.
Về việc thanh tranh toàn diện nước mắm được Bộ Y tế tiến hành từ đầu năm, đại diện HĐQT né trả lời về kết quả thành tra. Tuy nhiên, các thành viên HĐQT khẳng định trong năm 2016 và đầu năm 2017, ngành hàng nước mắm của Masan có tới 4 lần thanh tra, và cho biết mỗi chai nước mắm sản xuất ra chịu trên 60 khâu kiểm nghiệm, nên không có chuyện mất an toàn thực phẩm.
Với sản phẩm mì ăn liền, lãnh đạo Masan thừa nhận năm qua gặp rất nhiều khó khăn, do việc cạnh tranh gay gắt về giá. Chiến lược mới là không tập trung cạnh tranh về giá mà chuyển sang sản xuất các sản phẩm tiện lợi, cao cấp hơn.
Năm 2016, doanh thu thuần của Masan Consumer đạt khoảng 13.790 tỷ đồng, lợi nhuận sau khi trừ thuế đạt 2.791 tỷ đồng, giảm gần 4% so với năm 2015. Các ngành hàng chủ lực của công ty như nước mắm chiếm 63% thị phần, nước tương chiếm 70%, tương ớt 63%, cà phê hòa tan 38% và mì gói 24% thị phần cả nước...
Hiện danh mục sản phẩm của Masan gồm 70% thực phẩm và 30% đồ uống. Mục tiêu đến năm 2020 của công ty là đẩy mạnh ngành hàng đồ uống để đạt con số 50/50 và hướng tới doanh thu 5 tỷ USD, trong đó 30% thu từ xuất khẩu.
Năm 2017, Masan đặt kế hoạch đạt 14.500-15.300 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tối thiểu 2.550 tỷ, tối đa 2.810 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức 2017 ở mức 45%.