Với nhiều người Việt, hàng ngoại giá đắt là điều đương nhiên. Khi hàng ngoại có giá rẻ, người mua thêm phần hoang mang về xuất xứ.
Xuất xứ trăm loại, giá trăm mức
Bước chân vào nhiều hệ thống siêu thị lớn ở TP.HCM, đập ngay vào mắt là hàng loạt gian hàng trái cây ngoại chễm chệ chiếm gần hết cửa ra vào. Đặc biệt, các mặt hàng trái cây nhập ngoại ở đây có giá khá “bèo”. Một số loại còn được liên tục giảm giá khiến giá còn rẻ hơn trái cây… nội.
Chiều 7/4, khảo sát tại một siêu thị lớn ở quận 10 TP.HCM, chưa đầy 2 phút đã có hơn chục khách hàng ghé vào gian hàng táo Pháp, táo Gala. Mức giá rẻ không tưởng, chỉ 39.900 đồng/kg khiến người mua thích thú.
Theo bảng quảng cáo, các loại trái cây này đang trong mùa giảm giá nên rẻ như vậy. Thực tế, mức giá này đã giữ nguyên từ 4 tháng, trước Tết Đinh Dậu. Phần chênh lệch không tới 100 đồng/kg.
Trong khi đó, một loại táo khác có xuất xứ từ Nhật, giá lại đắt gấp 3, 4 lần. Cụ thể, giá táo đỏ Pháp, Gala hay Breaurn Pháp có giá chỉ 39.900 đồng/kg, trong khi táo Fuji xuất xứ Nhật hay Hàn Quốc có giá 139.000 - 199.000 đồng/kg. Ngoài ra, Kiwi xanh thường có giá 49.900 đồng/kg trong khi kiwi xanh có xuất xứ khác lại 90.000-100.000 đồng/kg. Nho đen Mỹ không hạt có giá 129.000 đồng/kg trong khi nho đen Australia có giá gần gấp đôi, 300.000 đồng/kg.
So với các siêu thị khác, giá tại hệ thống này vẫn còn… rẻ, thấp hơn 40.000-50.000 đồng/kg.
Tại một hệ thống siêu thị, táo Gala có giá đến 124.000 đồng/hộp (6 trái), gấp 3 so với táo Gala ở siêu thị trên. Cũng là loại táo Fuji xuất xứ Nhật, siêu thị này lại để giá đến 250.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, các loại táo đủ chủng loại cũng được trưng bày như táo Mỹ có giá 163.000 đồng/kg, táo xanh organic 166.000 đồng/hộp, táo xanh Mỹ (không phải organic) 76.500 đồng/kg.
Tìm đến 2 thương hiệu nhập khẩu trái cây lớn tại quận 1 và quận 3, mức giá của các loại trái cây (theo mùa) còn cao hơn nhiều. Giá các loại trái cây dâu, lê, nho ở mức 300.000-500.000 đồng/kg. Các mặt hàng tầm trung dao động khoảng 100.000-200.000 đồng/kg. Tuyệt nhiên không có loại nào giá rẻ hơn.
Tại một cửa hàng chuyên nhập khẩu hoa quả trên đường Vũ Huy Tấn, giá trái cây ngoại từ vài trăm nghìn trở lên và hầu như không có loại nào dưới 100.000 đồng. Loại trái cây đắt tiền nhất tại cửa hàng này là cherry với giá 550.000 đồng/kg, rẻ nhất là nho Nam Phi giá 170.000 đồng/kg. Tại cửa hàng này, táo Gala Pháp có giá 190.000/kg với loại size nhỏ và 220.000 đồng/kg với loại size lớn hơn.
Hàng ngoại nhưng chất lượng liệu có… “ngoại”?
Sự chênh lệch giá tại các siêu thị hiện nay được lý giải hầu hết do việc nhập khẩu số lượng lớn nên được ưu đãi nhiều hơn so với các cửa hàng nhỏ lẻ. Chính vì giá thành sản phẩm chênh lệnh giữa các xuất xứ nên thường người mua vẫn chuộng loại rẻ nhất.
Đem vấn đề này trao đổi với một đại diện của siêu thị lớn tại TP.HCM ông cho biết, hầu hết siêu thị nhập hàng ngoại đều có xuất xứ chủ yếu từ Mỹ, New Zealand, Pháp, Nhật, Hàn,… Dù vậy, ở mỗi quốc gia lại có đến hàng trăm hàng ngàn công ty xuất khẩu các loại. Chính việc kí kết và tìm hiểu thị trường sẽ giúp các siêu thị cạnh tranh được mức giá nhập khẩu tốt hơn. Chưa kể, nếu nhập số lượng nhiều thì mức giá có thể rẻ hơn nữa.
“Chỉ một loại trái cây là táo mà tôi có thể kể ra tận 20 loại, từ xuất xứ Australia, Pháp, Mỹ đến táo xanh táo đỏ, táo vàng… Mang mác nhập ngoại nhưng không phải loại nào cũng hơn hẳn táo xuất xứ trong nước. Chưa kể mùa này thì táo này vào vụ, mùa kia thì táo khác. Những loại chính vụ giá mới rẻ, còn nếu không vào mùa, giá nhỉnh hơn là đương nhiên. Đó là lý do tại sao có chênh lệnh giá như thế”, vị này nói.
Ông cũng cho biết đánh vào tâm lý chuộng hàng ngoại nên nhiều siêu thị ra sức nhập khẩu trái cây và giảm giá vô tội vạ, nhất là cam và táo. Loại rẻ nhất hiện nay chỉ có loại cam Nam Phi (dao động 30.000-35.000 đồng/kg) và táo Pháp (40.000 đồng/kg). Riêng táo Pháp là loại có quanh năm nên giá thường không thay đổi. Mẫu mã so với táo Mỹ lại không đẹp, vị chua, thường bị xốp và không nhiều nước nên giá có phần rẻ hơn.
Táo Pháp giá chưa đến 40.000 đồng tại một siêu thị quận 10. |
Cùng ý kiến với vị đại diện này, chủ cửa hàng chuyên trái cây nhập trên đường Vũ Huy Tân (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay hầu như trái cây tại cửa hàng không thay đổi giá từ trước đến sau Tết.
“Giá có thể chênh lệch đôi chút phụ thuộc vào mùa vụ của trái cây ngoại, trước vụ hay sau vụ thì đắt hơn so với giữa vụ. Dù vậy, nhìn chung tại cửa hàng tôi tất cả trái cây ngoại đều không có giá dưới 100.000 đồng/kg”, chủ cửa hàng cho hay.
Theo chị, dù giá nhập nhưng không thể có giá rẻ đến mức… “như cho” như thế. Hầu hết trái cây tại cửa hàng đều nhập qua hai con đường là chính ngạch và xách tay, nên thuế cũng như chi phí đẩy giá trái cây nhập lên khá cao.
“Trái cây ngoại tại siêu thị hay một số nơi khác có giá vài chục nghìn đồng có thể là trái cây nhập vào Trung Quốc với số lượng lớn, sau đó được vận chuyển bằng đường bộ sang Việt Nam nên không phải chịu áp mức phí quá cao”, chủ cửa hàng nói.
“Điều này chỉ có thể giải thích, loại táo Pháp bán rẻ như thế là hàng cần cân nhắc lại chất lượng”, chị khẳng định.
Mua hàng ngoại dựa trên… “niềm tin”
Dù giá đắt, nhiều người dân thành thị hiện nay vẫn chịu chi để có thể lựa chọn các loại trái cây ngoại nhập. Không chỉ vì mác “sính ngoại”, nhiều người còn cho biết lo lắng về tình hình trái cây nội không đảm bảo an toàn nên phải “bấm bụng” chi tiền mua.
Chị Hương (quận 11, TP.HCM) chia sẻ nhà chị trước đây hầu như chỉ ăn trái cây trong nước, tuy nhiên từ dịp Tết nguyên đán thì hầu như khi nào bước vào siêu thị chị cũng thấy trái cây ngoại khuyến mãi với giá không chênh lệch nhiều. Chưa kể nước ngoài thì hình dáng bắt mắt, trái to đều và đặc biệt mang mác “đồ ngoại” nên trong tủ lạnh nhà chị bắt đầu xuất hiện nhiều loại trái cây ngoại hơn.
“Trước đây nghe đến trái cây ngoại là thấy hàng xa xỉ rồi. Vậy mà giờ đi đâu cũng thấy hàng ngoại rao giá rẻ quá chừng. Tính ra so với giá gia đình tôi từng mua trước đây (tầm 300.000 – 500.000 đồng/ký) thì giá hiện tại không bằng 1/6. Đã vậy giá khuyến mãi đều đều, không thấy tăng dù mang mác hàng ngoại, rẻ hơn hàng chợ”, chị Hương cho biết.
Cũng theo chị Hương, việc giá rẻ khiến chị lo ngại về chất lượng. “Đồ bán ở siêu thị dù sao cũng mang mác giúp mình an tâm chút ít, chứ thực ra với mức giá đó cũng khiến mình hoài nghi. Đặc biệt các loại táo, cam, nho,… rất dễ dính hàng Trung Quốc. Đôi lúc thấy rẻ quá cũng cảm thấy lo lo”, chị Hương nói thêm.
Đó không phải nỗi lo của riêng chị Hương. Nhiều người dân hiện nay chấp nhận mua hàng siêu thị vì có thể nhìn thấy xuất xứ ngay trước mắt. Tuy nhiên không hẳn điều này đã là sự đảm bảo cho xuất xứ các loại trái cây. Để mua trái cây có xuất xứ đảm bảo, ngoài nghi hoặc, người mua cần cẩn trọng khi quan sát và truy xuất mã vạch của hàng hóa.
Cũng theo chủ cửa hàng ở trên, nhiều loại trái cây có gắn mã vạch, người mua có thể dùng điện thoại thông minh để truy xuất nhưng đối với nhiều loại trái cây như cam, dâu, táo,… sẽ không có truy xuất ở trái mà thường là ở thùng.
“Siêu thị, hay chợ khó có thể yêu cầu nhân viên cho xem mã vạch được, cũng chưa chắc chắn mã vạch mà nhân viên đưa là đúng với loại quả đó và hầu như cũng không có khách hàng nào yêu cầu việc đó, nên việc xuất xứ nguồn gốc của trái cây ngoại chủ yếu là người mua ăn bằng ‘niềm tin’ mà thôi”, chủ cửa hàng nói.