"Thay vì hợp tác với Mỹ để hỗ trợ các tổ chức khủng bố đe dọa an ninh quốc gia của mình, Thổ Nhĩ Kỳ nên tập trung xây dựng hợp tác với các nhà nước trong khu vực, ưu tiên cho sự ổn định của khu vực", ông Hasan Bitmez, Phó Chủ tịch đảng đối lập Thổ Nhĩ Kỳ Saadet cho biết.
Vị chính trị gia lên án Ankara vì đã ủng hộ cuộc tấn công của liên quân ba nước Anh, Pháp và Mỹ vào ngày 14/4 tại Syria, ông nhấn mạnh rằng các nước phương Tây trước hết đã nhắm vào quyền toàn vẹn lãnh thổ của nước này.
Theo ông Bitmez, tuyên bố của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc tấn công tại Syria hôm 14/4 đã mâu thuẫn với cả quá khứ lịch sử và vị trí địa lý của Thổ Nhĩ Kỳ.
"Cuộc tấn công của lực lượng đế quốc nhắm vào một trong những nước láng giềng của chúng ta và một quốc gia Hồi giáo là điều không thể chấp nhận được dưới bất kỳ lý do nào", vị chính trị gia nhấn mạnh.
Mặt khác, lời nhận xét của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng cuộc tấn công đã "chia rẽ" Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ ra rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những mục tiêu của cuộc tấn công, theo ông Bitmez.
Một khi các nước Mỹ, Pháp, Anh và Israel đã đạt được mục tiêu của họ tại Syria, thì sẽ đến lượt Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không nên bỏ qua thực tế này", ông Bitmez nhấn mạnh.
Vị chính trị gia chỉ ra rằng thay vì thực hiện chính sách của Mỹ, nước ủng hộ lực lượng người Kurd, Ankara nên đặt lợi ích của khu vực lên hàng đầu: "Người ta phải hiểu rằng việc ủng hộ cuộc tấn công mà liên quân Mỹ nhắm vào Syria cũng đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho lực lượng người Kurd củng cố vị thế tại phía bắc Syria".
Về phần mình, ông Utku Reyhan, Chủ tịch đảng cánh tả Vatan của Thổ Nhĩ Kỳ (Đảng Ái quốc), đã phát biểu rằng Damascus nên được đưa vào trong khuôn khổ các cuộc đàm phán ở Astana giữa Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ.
"Thổ Nhĩ Kỳ không nên hành động để phù hợp với lợi ích của bất kỳ quốc gia nào về vấn đề Syria", ông Reyhan nhấn mạnh. "Trước hết, Ankara phải suy nghĩ về vấn đề dân số, kinh tế và an ninh của chính mình".
Theo người đứng đầu Đảng Vatan, quá trình thống nhất Syria đang nằm trong tay Thổ Nhĩ Kỳ, với sự hợp tác cùng chính phủ Syria. Thêm vào đó, cuộc chiến của Thổ Nhĩ Kỳ với đảng Lao động người Kurd (PKK) có thể cho thấy sự hiệu quả trong việc hợp tác giữa chính phủ hai nước.
"Một trong những điều kiện tiên quyết quan trọng nhất có thể làm được là việc tiếp tục hợp tác ba bên của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran và hơn nữa là việc đưa Damascus vào quá trình đàm phán. Sự hợp tác giữa chính phủ các nước này sẽ có tầm quan trọng sống còn đối với tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria", ông Reyhan nhấn mạnh.
"Vì lý do này, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nên tránh những tuyên bố có thể tạo ra không khí nghi kỵ trong quan hệ với Nga và Iran. Những tuyên bố như vậy sẽ không có lợi cho an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ", vị chính trị gia cho biết.
Ông Reyhan nói chỉ có chính quyền Tổng thống Assad mới có thể đoàn kết tất cả các nhóm tôn giáo và sắc tộc của Syria.
"Tất cả các nước hiểu lẽ phải nên biết rằng tương lai của Syria không thể tách rời khỏi Tổng thống Assad, bở sẽ không có lực lượng nào có sức mạnh tương tự để đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria", lãnh tụ đảng Ái Quốc chỉ ra.
Bình luận về tuyên bố của ông Macron về "sự chia rẽ" giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, mà cả Moscow và Ankara đều bác bỏ, ông Reyhan cho rằng động thái của Tổng thống Pháp bắt nguồn từ sự thiếu kinh nghiệm chính trị và ngoại giao. "Có vẻ như ông ta không nhận ra rằng các cuộc tấn công bằng lời nói như vậy chỉ tạo điều kiện cho việc nối lại quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ".
Theo Sputnik