"Mục đích là phát đi tín hiệu rõ ràng tới các đối tác và đồng minh rằng chúng tôi cam kết đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực", Chuẩn đô đốc George M. Wikoff - chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan nhấn mạnh hôm 3/7.
Tại cuộc tập trận với sự tham gia USS Ronald Regan và USS Nimitz cùng 4 chiến hạm khác, máy bay sẽ thực hiện các chuyến bay ở cường độ cao (hàng trăm chuyến/ngày) để kiểm tra khả năng tác chiến của những tiêm kích hạm hàng không mẫu hạm của Mỹ.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN 76) của Mỹ. (Ảnh: Hải quân Mỹ) |
Ông Wikoff không tiết lộ vị trí cụ thể cuộc tập trận và khẳng định cuộc tập trận không nhằm đáp trả cuộc diễn tập quân sự đang diễn ra của Trung Quốc. Tuy nhiên, Chuẩn đô đốc Mỹ nhấn mạnh việc Trung Quốc đang gia tăng các hành động khiêu khích trên Biển Đông khiến Mỹ tăng cường hiện diện trong khu vực.
"Sự hiện diện của 2 tàu sân bay không nhằm đáp trả bất cứ sự kiện nào. Đây là một trong nhiều cách mà hải quân Mỹ thúc đẩy an ninh, ổn định và thịnh vượng trên khắp Ấn Độ-Thái Bình Dương", Joe Jeiley - người phát ngôn Hạm đội 7 của Mỹ cho biết.
Theo CNN, cuộc tập trận được lên kế hoạch từ lâu, nhưng diễn ra trùng thời điểm Trung Quốc triển khai các cuộc tập trận ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
“Mỹ đồng ý với những người bạn ở Đông Nam Á rằng hoạt động tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông là hành vi khiêu khích. Chúng tôi phản đối các yêu sách trái phép của Trung Quốc", Ngoại trưởng Mỹ viết trên Twitter hôm 3/7.
Trước đó, hôm 27/6, Cục Hải sự Hải Nam (Trung Quốc) ngang nhiên ra thông báo, quân đội Trung Quốc sẽ tổ chức tập trận trái phép tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Thông báo cũng yêu cầu tàu thuyền không vào vùng biển trên trong thời gian diễn ra tập trận.
Về động thái mới này của Trung Quốc, hôm 2/7, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh cuộc tập trận sẽ phản tác dụng đối với những nỗ lực giảm bớt căng thẳng và duy trì sự ổn định, gây thêm sự mất ổn định ở vùng biển này.
"Các cuộc tập trận quân sự là động thái mới nhất trong một chuỗi dài các hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách hàng hải bất hợp pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông", Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định.
Cùng ngày, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
"Việc Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác ở biển Đông".
Bà Hằng nói thêm rằng Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại hành vi tương tự trong tương lai.