"Đây không phải là lần đầu tiên mà Mỹ và các nước phương Tây cho thấy sự ủng hộ của họ đối với các nhóm khủng bố vũ trang. Chúng tôi đã chứng kiến những thông tin tương tự và các chiến dịch ngoại giao để ủng hộ những kẻ khủng bố trước khi giải phóng Aleppo và Homs. Những điều tương tự đang diễn ra tại Đông Ghouta. Các nước phương Tây đào tạo và cung cấp cho các chiến binh khủng bố vũ khí, nhu yếu phẩm và thông tin tình báo", Chuẩn tướng Hetham Hassun, nhà phân tích quân sự thuộc quân đội Syria cho biết.
Theo ông Hassun, người Mỹ đang có kế hoạch biến Đông Ghouta thành một "thành lũy khủng bố". Để đạt được mục tiêu này, họ sẽ gửi quân tiếp viện từ khu vực biên giới của Syria tại At-Tanf, ông Hassun lưu ý.
Trước đó, báo Yeni Akit của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin Lầu Năm Góc đã triển khai 600 lính tới căn cứ quân sự tại khu vực At-Tanf ở Syria.
"Nếu điều này xảy ra, nó sẽ trở thành một công cụ hiệu quả để gây áp lực lên Damascus, vì toàn bộ chính phủ nằm ở thủ đô của Syria" Chuẩn tướng Hassun đánh giá.
Tuy nhiên, Mỹ sẽ không can thiệp trực tiếp vào các hoạt động quân sự tại Đông Ghouta của quân đội Syria (SAA) vì không phận của khu vực này được bảo vệ hiệu quả bởi hệ thống phòng thủ của Nga.
Đó là lý do tại sao có khả năng SAA sẽ tiếp tục giành lợi thế và cuối cùng sẽ trục xuất những kẻ khủng bố ra khỏi khu vực, Tướng Hassun nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý rằng mặc dù các phương tiện truyền thông phương Tây vẫn đăng tải các bức ảnh từ Đông Ghouta, nhưng họ lại im lặng trước tình hình tại các thị trấn al-Fuah và Kafriya tại tỉnh Idlib, nơi người dân đang phải chịu đựng và chết chóc dưới cuộc bao vây của phe nổi dậy.
Nhà phân tích quân đội Syria đã chỉ ra rằng:" Không chỉ có ở al-Fuah và Kafriya, người dân tại các khu vực trại tị nạn Rukban, At-Tanf và thành phố Raqqa đều bị bao vây, các đoàn xe cứu trợ nhân đạo không thể tiếp cận các khu vực này, bởi các lực lượng đối lập do Mỹ hậu thuẫn đã chặn đường".
Ông Hassun cho rằng Washington muốn lợi dụng tình hình ở Đông Ghouta để "tống tiền" Syria và Nga và đạt được các mục tiêu chính trị và quân sự của mình.
Mặt khác, người Mỹ không thể hưởng lợi từ cuộc tranh luận về al-Fuah và Kafriya, vì họ sẽ phải buộc tội các nước đã hậu thuẫn những kẻ khủng bố đang phong tỏa các thị trấn.
"Làm thế nào mà Mỹ có thể lên án Thổ Nhĩ Kỳ, các nước châu Âu, các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư và bản thân họ đã đứng sau những cuộc bao vây?", tướng Hassun cho biết.
Tình hình ở Đông Ghouta vẫn chưa có tiến triển dù lệnh ngừng bắn của LHQ đã được ban hành từ ngày 24/2.
Bị chiếm đóng bởi các phần tử cực đoan và lực lượng đối lập kể từ năm 2012, khu vực Đông Ghouta chiếm diện tích khoảng 100 kilômét vuông với dân số trước chiến tranh lên đến 400.000 người.
Theo Sputnik