Ngày 5/8, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đang tăng cường các nỗ lực nhằm xóa các ứng dụng “không đáng tin cậy” của Trung Quốc khỏi kho ứng dụng của Mỹ.
Phát biểu tại một buổi họp báo, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo Mỹ đang mở rộng chương trình “Mạng lưới sạch” nhằm vào các ứng dụng dành cho điện thoại di động và các dịch vụ điện toán đám mây của Trung Quốc mà Washington cáo buộc là "rủi ro an ninh" đối với Mỹ.
Theo ông Pompeo, chính phủ Mỹ muốn xóa tất cả các ứng dụng "không đáng tin cậy" của Trung Quốc ra khỏi các kho ứng dụng của các công ty phát triển và sản xuất điện thoại di động của Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc các ứng dụng có công ty mẹ tại Trung Quốc như TikTok, WeChat và một số ứng dụng khác của Trung Quốc là "mối đe dọa lớn" đối với dữ liệu cá nhân của người Mỹ. Đồng thời, Washington cũng đang hành động để ngăn các thiết bị không dây và điện thoại của các tập đoàn công nghệ Trung Quốc, trong đó có Huawei, thực hiện việc cài đặt sẵn hoặc để chế độ sẵn sàng tải các ứng dụng do Mỹ sản xuất.
Theo Ngoại trưởng Pompeo, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ làm việc với Bộ Thương mại và một số cơ quan chính phủ khác của Mỹ để hạn chế khả năng các nhà cung cấp dịch vụ của Trung Quốc như Alibaba, Baidu, Tencent thu thập, lưu trữ, xử lý dữ liệu và các thông tin nhạy cảm của Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ cùng với Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh nội địa sẽ yêu cầu Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ-cơ quan quản lý viễn thông nước này, chấm dứt việc ủy quyền cho một số công ty viễn thông Trung Quốc cung cấp dịch vụ tại Mỹ.
Phản ứng trước tuyên bố của ông Pompeo, ngày 6/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố Bắc Kinh kiên quyết phản đối các hành động của Chính phủ Mỹ khi chặn các ứng dụng của Trung Quốc. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, ông Uông Văn Bân gọi việc Mỹ chặn các ứng dụng của Trung Quốc là đi ngược lại các nguyên tắc thị trường và không có cơ sở thực tế. Trên mạng xã hội Twitter, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh lên án chương trình “Mạng lưới sạch” của Mỹ và coi điều này đi ngược lại những sáng kiến về tự do thương mại.
Trong khi đó, công ty Google thuộc tập đoàn Alphabet cho biết đã xóa hơn 2.500 kênh YouTube có liên quan đến Trung Quốc từ tháng 4-6 vừa qua, như một phần trong nỗ lực nhằm loại bỏ thông tin sai lệch trên mạng chia sẻ video lớn nhất thế giới này. Trong báo cáo cập nhật hàng quý, Google không nêu rõ chi tiết, song cho biết các kênh bị xóa đăng tải chủ yếu là "nội dung rác" và có một phần nhỏ đề cập đến chính trị.
Trong một diễn biến liên quan, đại diện TikTok cho biết vừa cập nhật các chính sách về nội dung nhằm hạn chế thông tin sai trên nền tảng này trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ dự kiến vào tháng 11 tới. Cụ thể, công ty đang làm việc với các chuyên gia của Bộ An ninh nội địa Mỹ nhằm “bảo vệ trước thế lực nước ngoài.” TikTok sẽ cho phép người dùng báo cáo thông tin sai liên quan đến bầu cử trên chính ứng dụng này.
Ứng dụng TikTok đặc biệt phổ biến trong giới trẻ và hiện có khoảng 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ Mỹ và Trung Quốc leo thang căng thẳng, Nhà Trắng cảnh báo cấm ứng dụng này và một số ứng dụng khác của Trung Quốc với lý do đe dọa an ninh quốc gia. Công ty mẹ của TikTok là ByteDance hiện đối mặt với hạn chót đến ngày 15/9 tới sẽ phải bán chi nhánh của TikTok tại Mỹ cho tập đoàn Microsoft hoặc phải ngừng hoạt động tại thị trường này.