Bộ Tư pháp Mỹ công bố cáo trạng hình sự đối với hai hacker bị cáo buộc liên quan đến chính phủ Trung Quốc Zhu Hua và Zhang Shilong. Hai bị cáo này được cho là hoạt động theo chỉ thị của Bộ An ninh nhà nước Trung Quốc (MSS), bị buộc tội âm mưu tấn công vào hơn 10 công ty và cơ quan chính phủ ở Mỹ và khắp nơi trên thế giới.
Theo cáo trạng trình lên tòa án liên bang quận phía Nam New York, một nhóm tin tặc có tên APT10 (Advanced Persistent Threat 10) đã thực hiện các chiến dịch xâm nhập toàn cầu vào hệ thống máy tính ít nhất là từ năm 2006.
Trung Quốc bị tố ăn cắp bí mật thương mại và công nghệ cho 'Made in China 2025'. (Ảnh: SCMP) |
Các bị cáo làm việc cho Công ty Phát triển Khoa học và Công nghệ Huaying Haitai ở Thiên Tân, Trung Quốc và làm việc theo chỉ thị của MSS Thiên Tân, Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein nói.
Bản cáo trạng cho biết các bị cáo đã đánh cắp dữ liệu từ các công ty ở Mỹ, Brazil, Canada, Phần Lan, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Vương quốc Anh. Các tin tặc đã tấn công các ngành công nghiệp như ngân hàng và tài chính, viễn thông, điện tử tiêu dùng, thiết bị y tế và bao bì, cũng như các cơ quan chính phủ, Rosenstein nói.
Trong khi bản cáo trạng không xác định các công ty cụ thể, các tin tặc được cho là đã xâm phạm mạng lưới của Hewlett Packard Enterprise và IBM, sau đó sử dụng quyền truy cập để hack vào máy tính của khách hàng của những công ty này, theo Reuters.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ cáo buộc nhân viên nhà nước Trung Quốc ăn cắp thông tin thương mại. Kể từ khi truy tố 5 thành viên quân đội Trung Quốc về tội hack máy tính năm 2014, Mỹ đã nhiều lần khiến Trung Quốc được chú ý do các hoạt động nhắm vào các tập đoàn Mỹ. Hơn 90% các cáo buộc phản gián trong 7 năm qua liên quan đến Trung Quốc, theo ông Ros Rosstein. Bên cạnh đó, hơn hai phần ba số vụ liên quan đến trộm cắp bí mật thương mại có kết nối với Trung Quốc.
Rosenstein nói thêm rằng mục tiêu của chiến dịch tin tặc là “thống trị sản xuất trong các ngành công nghiệp chiến lược quan trọng bằng cách ăn cắp ý tưởng từ các quốc gia khác”, và cho biết ngành công nghiệp bị tin tặc nhắm đến tương ứng với những ngành trong lộ trình “Made in China 2025” của Bắc Kinh - con đường để trở thành một siêu cường công nghiệp toàn cầu.
Khi làm như vậy, Bắc Kinh đã vi phạm cam kết đưa ra năm 2015 khi đồng ý ngừng ăn cắp bí mật thương mại thông qua hack máy tính, Rosenstein nói.
Trong một tuyên bố chung ngày 20/12, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen cho biết hành động của Trung Quốc nhắm vào sở hữu trí tuệ và thông tin kinh doanh nhạy cảm, tạo ra mối đe dọa thực sự đối với khả năng cạnh tranh kinh tế của các công ty ở Mỹ và thế giới.
"Chúng tôi rất mong muốn Trung Quốc tuân thủ cam kết hành động có trách nhiệm trong không gian mạng và nhắc lại rằng Mỹ sẽ có biện pháp thích hợp để bảo vệ lợi ích của mình."
Cùng với Mỹ, Australia và New Zealand - không được liệt kê trong bản cáo trạng, cùng với Anh cũng tham gia lên án Bắc Kinh. Các quan chức của các nước tố cáo các cuộc tấn công mạng và kêu gọi Trung Quốc tạm dừng chiến dịch hack toàn cầu.
Tuy nhiên Mark Wu, một giáo sư tại Trường Luật Harvard, người nghiên cứu các vấn đề thương mại quốc tế, cho rằng những lên án chưa đủ để thay đổi hành vi của Trung Quốc.
"Mặc dù một số đồng minh cùng với Mỹ tố cáo tội phạm mạng Trung Quốc, nhưng hành động quan trọng hơn lời nói khi áp dụng áp lực" - ông Wu nhận định. "Vẫn còn phải xem các cáo buộc mới này sẽ thúc đẩy các nước khác tiến tới một đường lối cứng rắn hơn chống lại tội phạm kinh tế Trung Quốc như thế nào."
Được công bố từ năm 2015, "Made in China 2025" là chính sách dành cho ngành công nghiệp chế tạo Trung Quốc; đồng thời là cương lĩnh 10 năm đầu tiên để Chính phủ Trung Quốc thực hiện chiến lược biến Trung Quốc thành "cường quốc chế tạo".
Theo kế hoạch này, dự kiến đến năm 2025 Trung Quốc sẽ từ "chế tạo đại quốc" trở thành "chế tạo cường quốc"; sau đó đến năm 2035 ngành chế tạo Trung Quốc sẽ vượt qua các cường quốc chế tạo Đức và Nhật.