Trong khi quân đội Trung Quốc tập trung sức mạnh vào việc đối phó với Mỹ, Washington cũng xem Bắc Kinh là đối thủ chiến lược và được Lầu Năm Góc coi là đối thủ trong các cuộc tập trận, South China Morning Post cho biết.
Trong cuộc tập trận gần đây diễn ra ngoài khơi Virginia với sự tham gia của 28 tàu chiến, mang theo quân đội, thủy quân lục chiến và thiết bị mô phỏng cuộc xung đột lớn ở nước ngoài, có thể được sử dụng để chống lại Nga hoặc Trung Quốc.
Trước đó, quân đội Mỹ và lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã tổ chức cuộc tập trận chung bằng cách sử dụng tên lửa chống hạm phóng từ mặt đất để tấn công tàu chiến đối phương ở Kumamoto, ở Kyushu, theo báo cáo của truyền thông địa phương.
Mỹ cũng lần đầu tổ chức cuộc diễn tập kéo dài 5 ngày với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), những quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Trong một cuộc tập trận khác vào tháng trước, thủy quân lục chiến Mỹ đã mô phỏng tái chiếm sân bay trên đảo nằm giữa Philippines và Nhật Bản.
Tàu chiến ven biển LCS 8 của Mỹ trong cuộc diễn tập chung đầu tiên với hải quân các nước ASEAN. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Các nhà quan sát cho biết Lầu Năm Góc và quân đội Trung Quốc ngày càng xem nhau là đối thủ trong các kịch bản tập trận của họ. “Quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc từ năm 1990 đến nay tập trung vào việc đối phó Mỹ”, John Lee, thành viên cao cấp tại Viện Hudson ở Washington nói.
Từ quan điểm đó, không có gì ngạc nhiên khi càng nhiều cuộc tập trận của Mỹ lấy Trung Quốc làm đối thủ. Mỹ không phải là bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Washington xem khu vực này là một phần trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhằm ngăn chặn sự mở rộng của quân đội Trung Quốc.
Chiến lược của Washington cũng khiến cho Bắc Kinh cảnh giác hơn. Kể từ khi bắt đầu cuộc cải tổ quân đội quy mô lớn vào năm 2015, Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các đợt diễn tập chiến tranh thực tế. Bắc Kinh đã tăng cường tần suất và quy mô, cũng như cường độ cho những cuộc tập trận như thế.
Song Zhongping, nhà bình luận quân sự ở Hong Kong cho biết Bắc Kinh đang phản ứng trước những gì mà họ xem là mối đe dọa chiến lược: “Trung Quốc cảm thấy rằng họ đang đối mặt với rất nhiều mối đe dọa chiến lược bên ngoài, đặc biệt là từ Mỹ”, ông Song nói.
Dù cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, người có quan điểm diều hâu đối với Trung Quốc đã rời Nhà Trắng, những quan chức có quan điểm cứng rắn ở Washington khiến Bắc Kinh vẫn tiếp tục duy trì chiến lược.
“Chiến lược này vẫn sẽ được duy trì trong thời gian tới và Trung Quốc sẽ sử dụng mọi cách có thể để chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự thực sự trong trường hợp xấu nhất”, ông Song nói.
Yue Gang, đại tá quân đội Trung Quốc về hưu, cho biết Mỹ đang tìm kiếm sự hỗ trợ của các đồng minh nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Các đồng minh chủ chốt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Australia đều tham gia tập trận với Mỹ trong vài tháng qua.
Ông Yue cho biết các động thái gần đây của Lầu Năm Góc đã được lên kế hoạch kỹ càng nhằm hỗ trợ cho các nỗ lực khác của họ trong khu vực, chẳng hạn như cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ - Trung dự kiến nối lại vào tháng tới.