Mối lo ngại về cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran dấy lên từ ngày 13/6 khi hai tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman. Đây là lần thứ hai chỉ trong hơn một tháng qua các tàu chở dầu bị hư hại ở vùng Vịnh.
Washington đã đổ lỗi cho Tehran đứng sau các vụ tấn công vào thời điểm hơn một năm khi Tổng thống Donald Trump nói rằng Mỹ sẽ rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Iran.
"Các cuộc tấn công gần đây của Iran đã được xác thực qua nguồn tin tình báo tin cậy mà chúng tôi có được. Hành vi thù địch của các lực lượng Iran và các nhóm ủy quyền của họ đã đe dọa nhân sự và lợi ích của Mỹ trên toàn khu vực", ông Shanahan nói trong tuyên bố.
Mỹ đang ra lệnh điều quân đến Trung Đông để phòng thủ và bảo vệ lợi ích ở khu vực khỏi mối đe dọa từ Iran. Ảnh: US Marine Corps. |
Việc triển khai thêm 1.500 quân đến Trung Đông như đã được thông báo vào tháng 5 để đối phó với các cuộc tấn công tàu chở dầu. Trước đó, Mỹ đã siết chặt các lệnh trừng phạt, yêu cầu tất cả các quốc gia và công ty tạm dừng nhập khẩu dầu của Iran, nếu không muốn bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Đổi lại, cùng ngày, Iran tuyên bố sẽ sớm phá vỡ các giới hạn về lượng uranium được làm giàu để dự trữ theo thỏa thuận.
Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ gọi đây là một vụ "tống tiền hạt nhân".
Theo những gì mà Iran và các bên ký kết khác đã duy trì sau quyết định rút lui của tổng thống Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, giới hạn số lượng uranium làm giàu cấp độ thấp ở mức 300kg được làm giàu tới 3,67%.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi ngày 17/6 cho biết: "Chúng tôi đã tăng gấp 4 lần sản lượng làm giàu (uranium) và thậm chí còn tăng hơn thế gần đây. Trong 10 ngày, nó sẽ vượt qua giới hạn 300 kg".
"Nguồn dự trữ (uranium) của Iran sẽ ngày càng tăng lên", ông Kamalvandi nói trên kênh truyền hình nhà nước. Ông cũng nói thêm rằng động thái này có thể được đảo ngược khi các bên khác thực hiện các cam kết của họ.
Phát ngôn viên của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi khẳng định sẽ tăng gấp 4 lần sản lượng làm giàu uranium của Iran. Ảnh: AP. |
Bước đi của Iran đang làm rạn nứt thêm thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức) vào năm 2015. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng nhấn mạnh sự đổ vỡ của thỏa thuận sẽ không có lợi cho an ninh của khu vực và thế giới.
Thỏa thuận hạt nhân triệt tiêu mọi con đường dẫn đến việc sử dụng bom hạt nhân Iran để đổi lấy việc loại bỏ hầu hết lệnh trừng phạt quốc tế.
Anh cho biết nếu Iran vi phạm các giới hạn đã được thỏa thuận, London sẽ xem xét "mọi phương án".
Trong khi đó, Israel kêu gọi các cường quốc nhanh chóng đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt Tehran nếu quốc gia này vượt quá giới hạn làm giàu uranium.
Người đứng đầu chính sách ngoại giao của Liên minh châu Âu Federica Mogherini nói rằng dù thế nào, EU sẽ chỉ phản ứng với các vi phạm được xác định bởi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).