Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc hôm Chủ nhật cho biết hàng không mẫu hạm đầu tiên của nước này, tàu sân bay Liêu Ninh, đã tiến vào Biển Đông sau khi hoàn thành một tuần tập trận hải quân gần đảo Đài Loan.
Việc tàu Liêu Ninh tới Biển Đông được đưa tin là sau khi một nhóm tàu đổ bộ của Hải quân Mỹ, dẫn đầu là tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu đổ bộ USS Makin Island, tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông một ngày trước đó. Tham gia cuộc tập trận còn có một tàu tuần dương, tàu khu trục và tàu đổ bộ nhỏ hơn.
Các tàu cũng chở theo hàng trăm lính thủy đánh bộ thuộc Đơn vị viễn chinh thủy quân lục chiến số 15 cũng như trực thăng yểm trợ và máy bay chiến đấu F-35 của họ.
"Lực lượng tấn công viễn chinh này hoàn toàn chứng tỏ rằng chúng tôi duy trì một lực lượng đáng tin cậy trong chiến đấu, có khả năng ứng phó với mọi tình huống bất trắc, ngăn chặn hành vi xâm lược và cung cấp an ninh và ổn định khu vực để hỗ trợ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", Đại úy Hải quân Mỹ Stewart Bateshansky tuyên bố.
Tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc Wei Dongxu cho rằng cuộc tập trận của Hải quân Mỹ là một hành động khiêu khích.
"Các cuộc tập trận của tàu sân bay Trung Quốc có thể thiết lập các vị trí phòng thủ trên biển rộng lớn hơn, bảo vệ an toàn cho các khu vực ven biển của Trung Quốc và kiểm soát các hoạt động quân sự của Mỹ", chuyên gia Wei nói.
Carl Schuster, cựu giám đốc Trung tâm Tình báo Liên hợp của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng sự hiện diện của Liêu Ninh ở Biển Đông vào mùa xuân là bình thường khi điều kiện thời tiết thuận lợi cho việc huấn luyện.
“Tàu Liêu Ninh xuống đó vào thời điểm này trong năm (để thực hành) huấn luyện phòng không và bắn đạn thật", ông Schuster nhận định.
Mỹ-Philippines tập trận chung
Hôm thứ Hai, hơn 1.700 binh sĩ Mỹ và Philippines đang bắt đầu cuộc tập trận kéo dài hai tuần, theo Trung tướng Cirilito Sobejana - chỉ huy quân đội Philippines.
Các cuộc tập trận sẽ tập trung vào việc kiểm tra sự sẵn sàng của quân đội Mỹ và Philippines để ứng phó với các sự kiện như các cuộc tấn công của lực lượng cực đoan và thiên tai.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã thảo luận với người đồng cấp bên phía Philippines Delfin Lorenzana về cách làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa quân đội hai nước.
Các đề xuất bao gồm các phương án để nâng cao nhận thức tình huống về các mối đe dọa ở Biển Đông và đưa ra sau cuộc tấn công gần đây của các tàu dân quân biển của Trung Quốc tại bãi đá ngầm Whitsun (Việt Nam gọi là đá Ba Đầu-ND)".
Mỹ và Philippines được ràng buộc bởi một hiệp ước phòng thủ chung, mà các quan chức cho biết có thể có hiệu lực trong trường hợp có bất kỳ hành động quân sự nào của Trung Quốc đối với các tàu của chính phủ Philippines xung quanh khu vực tranh chấp chủ quyền.