Quốc gia vùng Himalaya này đang phải vật lộn để kiểm soát đại dịch khi liên tục ghi nhận số lượng các ca mắc COVID-19 kỷ lục. Nhiều mối lo ngại gia tăng rằng tình hình tại quốc gia này có thể nghiêm trọng hơn so với Ấn Độ.
Sau khi Nepal ghi nhận hơn 9.000 ca nhiễm mới, Thủ tướng KP Sharma Oli đã yêu cầu quân đội giúp quản lý các cơ sở cấp cứu để giảm bớt áp lực đối với hệ thống y tế.
Trước tình trạng cạn kiệt vaccine và các bệnh viện bị quá tải, đợt bùng phát lần này đang lây lan rất nhanh ở cả thủ đô Kathmandu cũng như phía tây nam giáp Ấn Độ.
Hồi đầu tuần này, một số quan chức y tế Nepal đã đưa ra cảnh bảo rằng đất nước đang trên bờ vực mất kiểm soát, trong khi nhiều người tiêm mũi đầu vaccine AstraZeneca vẫn chưa được tiêm mũi thứ hai.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Oli đã kêu gọi cộng đồng quốc tế gửi viện trợ vaccine và các trang thiết bị y tế khác.
Một trong những nguyên nhân làm tăng đà lây lan dịch bệnh tại Nepal được cho là do chiến dịch tiêm chủng thiếu tính chiến lược và có phần lộn xộn của chính quyền Kathmandu khi để người dân phải xếp hàng dài trong nhiều giờ bên ngoài cơ sở tiêm chủng.
Một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ngoài thủ đô Kathmandu là thành phố Nepalgunj – nơi giáp ranh với bang Uttar Pradesh của Ấn Độ. Hàng nghìn lao động Nepal đã từ Ấn Độ trở về, mang theo mầm bệnh và các biến chủng nguy hiểm.
“Chúng ta cần phải hành động một cách nhanh chóng và ngay từ bây giờ để có thể ngăn chặn thảm họa nhân đạo này”, ông Alexander Matheou, Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ nhấn mạnh.
Ông Netra Prasad Timsina, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nepal cũng cho biết: “Những gì đang xảy ra ở Ấn Độ lúc này là một ví dụ kinh hoàng, nếu chúng ta không ngăn chặn được đợt bùng phát dịch mới, thì đó rất có thể sẽ là tương lai của Nepal”.
Tại thủ đô Kathmandu, nhiều người lựa chọn ở nhà do lo lại trước tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể mới. Bên ngoài các bệnh viện và nhà thuốc đều xuất hiện những hàng dài người đứng xếp hàng.
Người dân Nepal thậm chí đã phải làm các lò hỏa táng lộ thiên tương tự như ở Ấn Độ do các đài hỏa táng hoàn toàn quá tải.
Nepal hiện gặp rất nhiều khó khăn trong công tác hậu cần, đặc biệt là tình trạng thiếu các thiết bị y tế chuyên dụng. Đất nước này không giáp biển và nguồn cung cấp thường đến từ Ấn Độ qua đường bộ, nhưng hiện tại quốc gia láng giềng này đang bận rộn đáp ứng nguồn cung trong nước.
Nepal hiện có 30 triệu dân nhưng chỉ sở hữu khoảng 1.600 giường bệnh chăm sóc đặc biệt, chưa đến 600 máy thở oxy và có tỷ lệ 0,7 bác sĩ trên 100.000 dân, thấp hơn rất nhiều so với Ấn Độ.
Giống như Ấn Độ, chính phủ Nepal đã cho phép tổ chức các lễ hội tôn giáo, bao gồm cả lễ hội Pahan Charhe, chính điều này đã khiến đà lây lan của dịch bệnh trở nên khó kiểm soát.
Nhận thấy thực trạng của cuộc khủng hoảng trong nước, Bộ Y tế Nepal đã thừa nhận rằng họ đang mất kiểm soát. “Khi số ca nhiễm tăng mạnh ngoài tầm kiểm soát của hệ thống y tế, việc cung cấp giường cho bệnh nhân đang trở nên vô cùng khó khăn”.