Khi giao tranh bùng phát giữa Armenia và Azerbaijan trong ngày thứ năm, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu, đã tổ chức một cuộc điện đàm để thảo luận về chủ đề này.
“Cả hai tái khẳng định sự sẵn sàng phối hợp chặt chẽ các hành động của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ để ổn định tình hình nhằm đưa việc giải quyết xung đột Nagorno-Karabakh trở lại kênh đàm phán hòa bình càng sớm càng tốt”, Bộ Ngoại giao Nga công bố.
Động thái này trái ngược với tuyên bố trước đó của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan, nhà lãnh đạo kêu gọi Armenia rút quân khỏi Nagorno-Karabakh, khu vực nằm trong lãnh thổ của Azerbaijan, cũng như lên án các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết cuộc xung đột.
Trước đó, ông Erdoğan tuyên bố trước quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ rằng Armenia phải rút khỏi Nagorno-Karabakh nếu muốn có hòa bình lâu dài trong khu vực.
"Cả Mỹ, Nga và Pháp đã bỏ qua vấn đề này trong gần 30 năm, không thể chấp nhận được việc họ tham gia tìm kiếm một lệnh ngừng bắn.", ông Erdogan nói.
Ngay sau bài phát biểu của ông Erdogan, cả 3 nước Mỹ, Pháp và Nga đã ra tuyên bố yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức. Cả ba đều là đồng chủ tịch của Nhóm OSCE Minsk, được thành lập vào năm 1992, để làm trung gian cho một giải pháp hòa bình về vùng đất Nagorno-Karabakh.