Thỏa thuận này được đưa ra sau khi quân đội Azerbaijan giành được nhiều ưu thế trên chiến trường, nhưng đã khiến nhiều người Armenia tức giận xông vào các tòa nhà chính phủ đập phá, yêu cầu Quốc hội vô hiệu hóa thỏa thuận.
Armenia và Azerbaijan đã mắc kẹt trong một cuộc xung đột liên quan tới khu vực Nagorno-Karabakh trong nhiều thập kỷ. Dù nằm trong lãnh thổ Azerbaijan, nhưng Nagorno-Karabakh đã nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng người Armenia do chính phủ Armenia hậu thuẫn kể từ khi cuộc chiến ly khai kết thúc vào năm 1994.
Giao tranh ác liệt nổ ra vào cuối tháng 9 đã khiến hàng trăm người chết. Nhiều thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết nhưng không bên nào chịu nhườn nhịn và tố cáo nhau nổ súng trước.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết 15 máy bay chở lực lượng gìn giữ hòa bình và thiết bị quân sự đã khởi hành đến Nagorno-Karabakh hôm thứ Ba. Tổng cộng 1.960 binh sĩ gìn giữ hòa bình Nga sẽ được triển khai ở đây trong vòng 5 năm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi cuộc giao tranh ở Nagorno-Karabakh là "một thảm kịch thực sự lớn" và bày tỏ sự hài lòng về "các thỏa thuận đạt được để chấm dứt đổ máu."
Thỏa thuận này kêu gọi các lực lượng Armenia chuyển giao quyền kiểm soát một số khu vực mà họ nắm giữ bên ngoài biên giới của Nagorno-Karabakh, và để người Nga đảm bảo an ninh tại đó.
Thỏa thuận cũng kêu gọi thiết lập các liên kết giao thông thông qua Armenia nối Azerbaijan và vùng lãnh thổ phía tây Nakhchivan của nó, được bao quanh bởi Armenia, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.