Tính toán của doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM cho hay nếu không thay đổi mức sử dụng quỹ bình ổn và giữ nguyên thuế, phí… giá bán lẻ với xăng có thể tăng dao động 100–300 đồng một lít. Dầu hỏa và dầu diesel cũng có mức tăng tương tự. Cũng có thể mức tăng dao động chỉ ở 50 đồng/lít tùy vào điều chỉnh quỹ bình ổn.
Lý do được doanh nghiệp này đưa ra là vẫn đang chịu mức lỗ khoảng 300 đồng/lít so với giá cơ sở nhưng giá thế giới đang có xu hướng giảm. Đây là yếu tố để cơ quan điều hành có thể sử dụng quỹ bình ổn để điều tiết mức bán lẻ trong nước.
Theo số liệu cập nhật xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore được Bộ Công Thương công bố trong những ngày gần đây, giá bán trung bình cho mặt hàng xăng RON 92 đã giảm từ 64 USD/thùng ở chu kỳ trước đó (20/5) xuống còn 62 USD/thùng ở kỳ điều chỉnh này.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối nhận định để phù hợp với thị trường thì cơ quan điều hành có thể sử dụng các phương án giữ nguyên mức trích quỹ bình ổn hoặc bỏ thu quỹ đối với doanh nghiệp trong kỳ này.
"Giá xăng có thể giữ nguyên hoặc tăng 200 đồng/lít tùy vào phương án sử dụng quỹ bình ổn của cơ quan điều hành", vị này dự đoán.
Hiện nay, cơ quan điều hành giữ nguyên mức trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành. Mức chi sử dụng quỹ giữ nguyên ở 0 đồng/lít.
Trong kỳ điều chỉnh trước, giá xăng RON 92 được giảm 211 đồng/lít xuống còn 17.063 đồng/lít, E5 giảm 197 đồng/lít xuống còn 16.871 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng lần lượt giảm 343 đồng/lít với dầu diesel xuống còn 13.260 đồng/lít; dầu hỏa giảm 261 đồng/lít xuống còn 11.792 đồng/lít và dầu mazut giảm 6 đồng/kg xuống 10.892 đồng/kg.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã qua 10 kỳ điều chỉnh, trong đó 2 lần tăng vào đợt điều chỉnh ngày 18/2, ngày 20/4; 4 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.