Các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam vẫn duy trì chế độ tập luyện 2 buổi một ngày nhằm duy trì phong độ dù không rõ khi nào mới được trở lại sân khấu. |
“Có lúc phải cho anh em nghệ sĩ nghỉ không lương…”
Rạp xiếc Trung ương trong hơn một tháng qua không thể tổ chức một buổi diễn nào, các nghệ sĩ cũng đã phải ngừng tham dự các tour diễn xa nhà ngay khi làn sóng COVID-19 thứ hai ập tới, dù phía Liên đoàn Xiếc đã ấp ủ rất nhiều dự định từ đầu năm.
“Ngay sau khi khai xuân vào ngày Mùng 3 Tết, chúng tôi được lệnh phải tạm đóng cửa do dịch bệnh bùng phát. Suốt 4 tháng liền sau đó, chúng tôi hoàn toàn án binh bất động”, PGĐ Liên đoàn xiếc Việt Nam Tống Toàn Thắng nói. “Tác động của dịch bệnh hết sức ghê gớm, bởi bất cứ đoàn nghệ thuật nào cũng phải cần có khán giả, cần phải có nguồn thu từ tiền vé.”
Trong thời gian đầu giãn cách xã hội, nhiều nghệ sĩ từ ở các tỉnh xa không thể quay trở lại Hà Nội, trong khi đó đặc thù của nghề xếp đó là phải tập luyện hàng ngày. Do vậy, nhiều nghệ sĩ buộc phải tự tập tại ở nhà hay thậm chí là bỏ tập được do không có điều kiện.
"Chàng Thạch Sanh" Tống Toàn Thắng vừa đảm nhận tư cách một nghệ sĩ biểu diễn, vừa là nhà quản lý Liên đoàn Xiếc Việt Nam. "Đối với tôi, điều hạnh phúc nhất đó là được đứng trên sân khấu trước khán giả của mình", NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ. |
Ngoài các nghệ sĩ, Liên đoàn Xiếc Việt Nam còn cả một đoàn thú phải nuôi ăn và tập luyện hằng ngày để duy trì thói quen, do đó đội ngũ huấn luyện viên, y tế luôn phải có mặt bên cạnh để chăm sóc cho chúng.
Ngay khi làn sóng thứ nhất kết thúc, Liên đoàn Xiếc đã triển khai một chương trình tại Hà Nội nhằm chào mừng ngày 1/6 và một chương trình tại Hạ Long.
Nhằm đáp ứng yêu cầu của chính phủ, phía rạp xiếc đã áp dụng các quy tắc như kiểm tra thân nhiệt cho khán giả trước khi vào sân khấu, cũng như như chỉ bán một phần vé nhằm giữ khoảng cách cho khán giả.
Một nữ nghệ sĩ tập tiết mục đu dây lụa trên cao. |
Giống như nhiều sân khấu nghệ thuật khác, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang rất đau đầu trước bài toán cân đối thu chi để đảm bảo các khoản lương và chế độ cho hơn 200 nghệ sĩ.
Theo ông Thắng, do không thể biểu diễn, các nghệ sĩ cũng không được nhận các khoản bồi dưỡng mà chỉ có thể được nhận tiền lương cơ bản, vốn hết sức ít ỏi với mức sống ngày nay.
“Thời gian đầu, chúng tôi chỉ có thể duy trì được một khoản để đóng bảo hiểm cho các nghệ sĩ, có giai đoạn còn phải để mọi người nghỉ không lương”, ông Thắng ngậm ngùi.
Trong bối cảnh “cơm áo không đùa với khách thơ”, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có sáng kiến xây dựng một bếp ăn tập thể nhằm phục vụ bữa trưa cho các nghệ sĩ sau giờ tập luyện, mà theo ông Thắng “hành động này vừa giúp tiết kiệm cho anh em, vừa đảm bảo dinh dưỡng cho chế độ tập luyện cường độ cao”.
“Chúng tôi nhớ ánh đèn sân khấu”
Khả Linh luôn nhớ lần đầu tiên được mẹ đưa đi xem xiếc, cô gần như choáng ngợp trước hình ảnh lung linh của các nghệ sĩ khi họ nhịp nhàng biểu diễn các màn đu dây và tung hứng trên không. Cô bé 11 tuổi khi đó đột nhiên nhận ra mình thuộc về ánh đèn sân khấu.
“Ngay sau tối hôm đó, tôi thú nhận với mẹ rằng mình muốn được như những cô chú ấy, được hóa thân thành những nghệ sĩ xiếc. Rất bất ngờ là mẹ không phản đối mà còn ủng hộ tôi đi theo con đường này”, Khả Linh hồi tưởng lại những ngày đầu cô chập chững đến với xiếc.
“Lần đầu tôi được lên sân khấu là khi 17 tuổi, bao nhiêu tự tin lúc đó mất sạch ngay khi nhìn thấy đám đông đang chờ đợi mình. Ngày hôm đó tôi cảm nhận mình chưa trình diễn hết sức của mình, một phần có lẽ là do tâm lý”, cô gái 19 tuổi nói. |
Như một cái duyên, Khả Linh vượt qua được kỳ thi tuyển của trường xiếc và trải qua 6 năm tập luyện với chuyên môn nhào lộn trên cao. Đều đặn mỗi ngày, Linh dành 7 tiếng để tập luyện các màn nhào lộn, đu dây với cường độ ngang với một vận động viên chuyên nghiệp.
Để được sống với đam mê, Linh cho biết cũng đã phải đánh đổi không ít. Khoảng thời gian đầu khi phải rời xa gia đình, Linh luôn cảm thấy cô đơn và nhớ mẹ, những lời động viên của thày cô đã phần nào giúp cô lấy lại tinh thần và nhanh chóng làm quen với guồng quay tập luyện.
Thời gian này, Khả Linh đang tập luyện tiết mục đu dây da. |
“Gần 10 năm đến với nghề xiếc, tôi gặp không ít chấn thương, nhất là phần cổ và lưng. Có lúc ngã đau quá phải nghỉ tập 1 tháng nhưng chưa bao giờ tôi gọi về than phiền với mẹ. Tôi chấp nhận những khó khăn này và tự mình chịu đựng nó”, Linh bộc bạch.
Dịch bệnh bùng phát khiến Linh cùng các đồng nghiệp chỉ còn cách duy trì tập luyện và đợi một ngày được quay trở lại sân khấu.
“Những ngày này, tôi thực sự nhớ sân khấu, nhớ khán giả. Các anh chị em trong đoàn hiện cũng chỉ biết cố gắng tập luyện các tiết mục để một khi quay trở lại, chúng tôi luôn sẵn sàng cho ngày đó”, Linh nói.
Dịch bệnh chỉ là một phần khó khăn
Gần 40 năm làm nghề xiếc, trải qua biết bao khó khăn của những ngày “nhập nhoạng” khi xiếc Việt Nam mở cửa ra với thế giới, chưa bao giờ ông Tống Toàn Thắng lại thấy nghề của mình lại khó khăn như hiện tại.
Hiện nay, các bộ môn nghệ thuật biểu diễn đang chịu rất nhiều sức ép trong việc thu hút khán giả tới sân khấu. Theo ông Thắng, các nghệ sĩ ngày nay luôn phải nỗ lực cải tiến các tiết mục, nhưng phải cập nhật và đem hơi thở xã hội vào các màn biểu diễn, bởi khán giả hiện có rất nhiều lựa chọn để giải trí.
Một khó khăn đối với ngành xiếc Việt Nam đó là thiếu nguồn nhân lực. |
Một khó khăn khác mà ông Thắng chỉ ra đó là nguồn nhân lực, khi ngày nay các nghệ sĩ trẻ không phải ai cũng còn mặn màn với nghề xiếc.
Một nghệ sĩ xiếc phải mất 5 năm đào tạo trong trường, khi tốt nghiệp rồi vẫn chưa chắc đã được diễn ngay, còn phải được các đoàn nhận vào và trau dồi ít nhất 6 tháng thì mới thành nghệ sĩ chuyên nghiệp. Sau đó, các đoàn tiếp tục cho “thực tập sinh” rèn rũa với sân khấu lớn đến khi thực sự thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp.
“Nhưng do cơ chế thị trường, người ta thấy mảnh đất khác màu mỡ hơn, có tương lai hơn, thì người ta từ bỏ”, ông Thắng bộc bạch. “Cách đây 5 năm, chúng tôi có những lứa nghệ sĩ sẵn sàng thôi biên chế để ra một công ty bên ngoài. Công ty đấy trả lương người ta 20 triệu, và người ta sẵn sàng bỏ luôn biên chế.”
Một vấn đề nữa đó là tuổi thọ của nghề xiếc, nếu như các bộ môn nghệ thuật như kịch, tuồng, chèo thì đến 60 tuổi các nghệ sĩ vẫn có thể biểu diễn, còn các nghệ sĩ xiếc thì đã phải giải nghệ khi mới 30-40 tuổi.
“Chúng tôi biết, sau thời hoàng kim là những sự nghiệt ngã của bệnh nghề nghiệp. Tuổi đời biểu diễn trên sân khấu của nghệ sĩ xiếc rất ngắn, đặc biệt là phụ nữ. Các nghệ sĩ xiếc chúng tôi chỉ như những con đom đóm. Khi sáng thì sáng rực rỡ. Còn khi ánh sáng tắt dần, chúng tôi lui lại vào trong hậu đài, sống tiếp bằng những ký ức về thời hoàng kim, khi mình được đắm mình trong ánh đèn sân khấu”, ông Thắng ngậm ngùi chia sẻ.
Để xiếc Việt ngang tầm thế giới
Theo ký ức của “hoàng tử xiếc trăn” Tống Toàn Thắng, từ thập kỷ 90, khi đất nước hội nhập, Liên Xô chưa tan rã, thì ngành xiếc Việt Nam đã rất phát triển. Có không ít nghệ sĩ gạo cội của ngành xiếc thực sự trưởng thành từ những chuyến tập huấn và lưu diễn ở nước ngoài.
Ít ai biết được rằng, để có được những màn trình diễn siêu hạng trên sân khấu, nghệ sĩ Tống Toàn Thắng từng 4 lần suýt chết vì "bạn diễn" của mình. |
“Phải nói sau những hoạt động này thì một trang sử mới đã được mở ra cho ngành xiếc: chúng ta bắt đầu có sự giao lưu quốc tế. Và rất may là khi giao lưu, chúng ta chớp được thời cơ và có những nghệ sĩ đi thi, đi tổ chức các cuộc liên hoan xiếc quốc tế.”, ông Thắng hào hứng nói.
Đặc biệt hơn nữa, vào năm 1991 khi rạp xiếc hiện đại đầu tiên của Việt Nam được khai trương thì đó cũng là lúc ngành xiếc nước ta chính thức đánh dấu tên mình trên bản đồ xiếc thế giới, là một trong những nước có rạp xiếc hiện đại.
Cho đến hiện tại, những chương trình như “Sông trăng”, “Làng tôi”, hay trường hợp của cặp anh em Quốc Cơ-Quốc Nghiệp những minh chứng đủ sức nặng để khẳng định xiếc Việt đã có một chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả quốc tế.
Quốc Cơ-Quốc Nghiệp là những thành quả tiêu biểu của nghệ thuật xiếc Việt Nam sau nhiều thập kỳ không ngừng phát triển để vươn tầm thế giới. |
Một vấn đề mấu chốt nữa là nghệ thuật xiếc Việt Nam đang định hướng rất tốt về việc tạo ra một bản sắc riêng, đó là tận dụng những giá trị truyền thống, theo ông Thắng.
“Trong một tiết mục của chúng tôi có đầy đủ các yếu tố giải trí, kỹ thuật, sáng tạo và đặc biệt là màu sắc. Ngoài những vở xiếc mang màu sắc Việt Nam với các kỹ năng, kỹ xảo phù hợp với người Việt, thì chúng tôi vẫn tạo ra những sản phẩm mà quốc tế phải ghi nhận và đánh giá cao cho chúng ta”, người nghệ sĩ xiếc trăn chia sẻ.