“Bỏ cây bút ra là tôi vô dụng”!
Tuyển tập “Huỳnh Dũng Nhân- Cuộc đời và cây bút” không có những câu chuyện mới, vẫn là những phóng sự đã “đóng đinh” tên tuổi một Huỳnh Dũng Nhân- “vua phóng sự” của làng báo Việt Nam, những tản văn thấm đẫm hơi thở cuộc sống, những truyện ngắn mênh mang tình đời, tình người, những bài thơ nhỏ, những bài hát đã được phổ nhạc từ lâu và những bức hoạ chân dung người thân yêu, những người xa lạ thân quen , những người quen xa lạ mà Huỳnh Dũng Nhân bị ấn tượng. Nhưng cầm nó trên tay, tôi cảm nhận được tinh thần “làm mới mình” rất mãnh liệt, rất sâu sắc của người đàn ông tài hoa đang bước vào tuổi Thất thập cổ lai hy.
Hơn hai trăm trang sách được chia đều cho 7 phần tương ứng với tuổi 70 của ông, một chi tiết rất nhỏ nhưng hết sức tinh tế, chứng tỏ ông đã dành nhiều tâm tư cho cuốn sách này, như một cách ông nhìn lại và “tri ân cuộc đời cầm bút”.
“Tôi lớn lên, đi học, làm thơ, viết văn, làm báo, đi dạy, vẽ tranh chân dung…vèo một cái, năm nay đã bước vào tuổi 70. Suốt hành trình trong “một thời đạn bom, một thời hoà bình” đầy ý nghĩa, không ít vui buồn, có chút thành công, cũng có lúc thăng trầm, tôi đều gắn bó với cây bút. Cây bút nói lên tình yêu con người, tình yêu cuộc sống của tôi. Bỏ cây bút ra là tôi thất nghiệp, vô dụng”, Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ.
Ông nói, “Tôi cảm ơn cây bút đã đem đến cho tôi tất cả những gì tôi có được trong một lần được SỐNG chứ không phải tồn tại trên cuộc đời ngắn ngủi này”.
Cũng là giới cầm bút, nhưng đọc những chia sẻ của ông mới thấy, thật ra, mình đã không quý trọng cây bút mình cầm được như cách Huỳnh Dũng Nhân dụng bút. Ông đã kinh qua một chặng đường báo chí đáng nể, từ một phóng viên giỏi nghiệp vụ, một cây phóng sự tài hoa, trở thành một Tổng biên tập, rồi đảm nhiệm các vị trí công tác Hội, trở thành Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, ông cũng là người không tiếc thời gian, sức lực, nhiệt tình tham gia công tác đào tạo báo chí, truyền lửa nghề cho các bạn phóng viên trẻ. Cả cuộc đời ông, chỉ có một nghề duy nhất là nghề cầm bút và chỉ với cây bút ông đã hoạ lại cuộc sống bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, từ thơ ca, hoạ nhạc tới những bài báo trở thành “học liệu” cho các thế hệ sinh viên báo chí Việt Nam.
Bởi vì SỐNG không phải đơn thuần TỒN TẠI
“Cuốn sách này là một kỷ niệm cuộc đời cầm bút của tôi, gửi tặng gia đình và bạn bè, đồng nghiệp”, Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ lý do mang cuốn sách ra mắt tại Hội báo Xuân toàn quốc 2024, lần đầu tiên được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Trước ngày ra mắt sách, ông rất bận, phải nhờ “phu nhân” Bùi Mai mang sách tới tặng tôi kèm tin nhắn giản dị: “Mong em sẽ thích cuốn sách mới này”. Tôi luôn thích sách của Huỳnh Dũng Nhân, bởi vì nó rất dễ đọc, dễ xem, giản dị, chu toàn, không khoa trương cũng không lên gân lên cốt, nó rất đời thường thôi nhưng người đọc vẫn cảm nhận được sức nặng của tri thức kết tinh trong từng con chữ.
Những ai biết nhiều hơn về Huỳnh Dũng Nhân thì còn thêm phần cảm phục bởi năm 2020 ông bị tai biến trên đường đi xuyên Việt song đã kiên trì tập luyện, không chỉ chiến thắng bệnh tật mà còn “phát lộ” tài năng mới: vẽ tranh cổ động và tranh chân dung, sáng tác nhiều bài thơ hay, nhiều khúc nhạc lay động lòng người. Ở tuổi “cổ lai hi” ông vẫn hăng hái như thanh niên, đi, viết, giảng dạy, truyền cảm hứng sáng tạo, năng lượng sống đẹp, làm nghề tử tế, trách nhiệm tới thế hệ trẻ. Sau tai biến, ông đã thực hiện cuộc xuyên Việt thứ ba (sau hai cuộc đi xuyên Việt nổi tiếng đã tốn nhiều giấy mực của báo chí thời còn trai trẻ), đi lại 45 tỉnh thành, thăm lại những địa danh và bạn bè có những kỷ niệm đặc biệt với cuộc đời cầm bút của mình.
Đặc biệt, tôi nhận thấy, ông còn không ngừng “làm mới” mình bằng cách cập nhật, học hỏi những xu hướng mới, ông tham gia đủ các nền tảng mạng xã hội và nhiệt thành lan toả những năng lượng tích cực trên những nền tảng hiện đại dành cho người trẻ. Mỗi ngày, ông đều “rực rỡ” ở những nơi mình xuất hiện, dù trên mạng ảo hay trong đời thực, ông đều dùng cây bút cùng kiến thức, sự tử tế, trách nhiệm, nói chuyện sòng phẳng với cuộc đời một cách nhân văn. Ông đem đến những niềm vui nho nhỏ cho cả những người không quen biết, khi ngồi hoạ chân dung những người ông mới quen, không quen, trên các chuyến bay, trong các cuộc gặp gỡ tình cờ. Sự nhiệt thành, hăm hở của ông với cuộc đời, làm cho chính giới trẻ cũng phải nhìn lại cách mình đang sống, bớt thờ ơ, vô tâm và quý trọng hơn mỗi ngày mình đến nhân gian.
Còn tôi, vốn là fan phóng sự Huỳnh Dũng Nhân từ khi còn đi học, giờ ở tuổi làm cha làm mẹ, vẫn thích khi nhẩn nha mở “Huỳnh Dũng Nhân, cuộc đời và cây bút” ra đọc lại những phóng sự cũ, những tản văn cũ, câu chuyện cũ của ông trong một tâm trạng mới, và ở một độ tuổi khác với thời sinh viên tôi lại nhìn thấy những giá trị mới, cảm xúc mới trong tác phẩm của Huỳnh Dũng Nhân. Đó chính là những giá trị mà Huỳnh Dũng Nhân có thể tự hào trong suốt cuộc đời chỉ làm một nghề cầm bút, Đi- Yêu, Viết và sống rực rỡ giữa nhân gian.