Ngoại trưởng Mike Pompeo ăn tối tại New York với Kim Yong-chol, 'trùm' tình báo Triều Tiên, ngày 30/5. Ảnh: US Department of State. |
Kể từ thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, các quan chức từ cả hai nước đã phải vất vả tìm mọi cách để giữ cuộc gặp theo đúng kế hoạch vào ngày 12/6 ở Singapore. Quá trình thông thường phải mất nhiều tháng nay nay phải dồn nén lại trong vài ngày với các cuộc họp cường độ cao diễn ra trên khắp thế giới, theo New York Times.
New York: Lộ trình hướng tới hòa bình
Kim Yong-chol, cố vấn thân cận của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ngày 30/5 tới New York, để thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Hai ông đã dùng bữa tối cùng nhau nhằm làm gần gũi hơn mối quan hệ cá nhân. Song bên cạnh đó, họ còn một nhiệm vụ quan trọng khác: Vạch ra con đường phi hạt nhân hóa.
Giới phân tích đánh giá Ngoại trưởng Pompeo sẽ tìm cách xác định rõ ràng quan điểm của Triều Tiên về chương trình hạt nhân, điều ông chưa thể làm được trong hai chuyến thăm Bình Nhưỡng gần đây và gặp mặt lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
"Họ cần làm việc với nhau để thu hẹp cách biệt và xây dựng lộ trình dẫn tới mục tiêu phi hạt nhân hóa", Ri Pyong Hwi, giáo sư tại Đại học Hàn Quốc, một tổ chức ủng hộ Bình Nhưỡng ở Tokyo, Nhật Bản, nhận định. "Làm thế nào để thu hẹp khoảng cách mới là điểm mấu chốt".
Kim Yong-chol vài tháng trở lại đây hiện lên như một gương mặt nổi bật nhất bên phía Triều Tiên trong các cuộc đàm phán ngoại giao với Mỹ và Hàn Quốc. Ông từng dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên tới tham dự lễ bế mạc Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang ở Hàn Quốc hồi tháng hai. Tuy nhiên, động thái trên vấp phải chỉ trích bởi người dân Hàn Quốc cho rằng Kim Yong-chol đã đứng sau ra lệnh tấn công nhằm vào tàu Cheonan của nước này hồi năm 2010 khiến 46 thủy thủ thiệt mạng.
Giới quan sát miêu tả Kim Yong-chol là người khá độc lập, trái ngược với các cố vấn có ảnh hưởng khác của lãnh đạo Triều Tiên vốn xuất thân từ tầng lớp tinh hoa. "Ông ấy rất mưu lược và có tài thương thuyết", Moon Seong-mook, nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul, nhận xét. "Ông ấy không cười nhưng sẽ tìm mọi cách có thể để đạt mục tiêu đặt ra".
Tối 30/5, trên đường về khách sạn, khi được hỏi về bữa tối với quan chức Triều Tiên, Ngoại trưởng Pompeo chỉ cho biết nó "rất tuyệt". Hai ông đã cùng thưởng thức món bò bít bết.
Singapore: Tập trung vào hậu cần
Ông Kim Chang-son tới Singapore hôm 29/5. Ảnh: AFP. |
Công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh 12/6 đòi hỏi sự tập trung cao độ vào tất cả các chi tiết, dù nhỏ nhất, chuyên gia đánh giá. Nếu được tiến hành như dự kiến, Singapore sẽ là địa điểm xa nhất lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đặt chân tới kể từ khi lên nắm quyền năm 2011. Đối với cả Kim Jong-un và Donald Trump, an ninh luôn là vấn đề khiên các nhà tổ chức đau đầu.
Kim Chang-son, người đóng vai trò như chánh văn phòng của lãnh đạo Triều Tiên, và phái đoàn Mỹ do Phó chánh văn phòng Nhà Trắng Joe Hagin dẫn đầu hôm 28/5 đã tới Singapore nhằm thảo luận về hàng loạt vấn đề như các biện pháp đảm bảo an ninh cũng như địa điểm và thời gian các cuộc gặp mặt sẽ diễn ra hay sự kiện nào nên mở cửa với báo giới, quan chức nào nên có mặt trong phòng hội đàm.
Cả Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên đều mong muốn có phần chụp hình chung nên Kim Chang-son và Hagin có thể bắt đầu bằng việc chọn ra những địa điểm chụp ảnh nổi bật.
Kim Chang-son còn được biết đến như quản gia của gia tộc họ Kim. Ông đã bên cạnh chăm sóc Kim Jong-un từ lúc nhỏ. Khi Kim Yo-jong, em gái Kim Jong-un, đến Hàn Quốc dự Olympic hồi tháng hai, người ta nhìn thấy Kim Chang-son cầm áo khoác cho cô.
Theo đài TBS, Nhật Bản, Kim Chang-son hôm 28/5 tuyên bố trước các phóng viên ở sân bay Bắc Kinh, Trung Quốc, rằng ông đến Singapore "để tận hưởng niềm vui". Những phóng viên trên cùng chuyến bay cho hay họ đã thấy ông đọc một tài liệu vắn tắt có đoạn: "Để đảm bảo kết quả của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, giữ an toàn cho lãnh đạo Kim Jong-un là điều quan trọng hơn cả".
DMZ: Xây dựng chương trình nghị sự
Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim, người có am hiểu sâu rộng về Triều Tiên, có mặt ở Seoul, Hàn Quốc, hôm 29/5. Ảnh: Yonhap. |
Trước khi Trump gửi thư cho Kim Jong-un thông báo hủy hội nghị thượng đỉnh hồi tuần trước, một trong những ngòi nổ dẫn tới hành động của Tổng thống Mỹ bắt nguồn từ những phát ngôn từ Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui. Bà chỉ trích Phó tổng thống Mỹ Mike Pence là "ngu ngốc và dốt nát" vì so sánh Triều Tiên với Libya.
Nhưng Choe Son Hui cũng là người đại diện cho Triều Tiên trong các cuộc thảo luận với một phái đoàn Mỹ do ông Sung Kim, đại sứ Mỹ tại Philippines, nhà ngoại giao có am hiểu sâu rộng về Triều Tiên, dẫn đầu. Hai bên gặp nhau ở Khu Phi quân sự liên Triều (DMZ) hôm 27/5.
Theo New York Times, các nhà ngoại giao và chuyên gia kỹ thuật có thể phối hợp để xây dựng một chương trình nghị sự cho cuộc gặp và phía Mỹ đang tìm cách đảm bảo những cam kết chi tiết từ chính quyền Kim Jong-un liên quan đến việc từ bỏ chương trình hạt nhân.
Giới phân tích suy đoán Choe Son Hui và Sung Kim dường như đã phác thảo ra một tuyên bố chung có thể được sử dụng tại hội nghị thượng đỉnh, trong đó Triều Tiên xác nhận cam kết phi hạt nhân hóa và Mỹ đảm bảo sẽ không can thiệp vào vấn đề nội bộ của Triêu Tiên.
"Bà Choe có thể yêu cầu một cam kết không xâm phạm hay thậm chí ngừng các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc vì họ cảm thấy bị đe dọa bởi chúng", Chon Hyun-joon, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Woosuk, Hàn Quốc, đánh giá. "Người Triều Tiên rất giỏi việc giành được thứ mình muốn vào phút chót, trong khi Tổng thống Trump dường như khá thiếu kiên nhẫn".
Sau các cuộc gặp ở New York, DMZ và Singapore, Ngoại trưởng Pompeo sẽ đưa ra lời khuyên với Tổng thống Trump về việc liệu quá trình chuẩn bị đã đủ để hội nghị thượng đỉnh diễn ra hay chưa, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.