Theo hãng thông tấn Kyodo, khi người dân giảm ủng hộ trong bối cảnh phải thắt chặt hầu bao do chi phí nhiên liệu, thực phẩm và hàng hóa lên cao, chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida sẽ giảm hóa đơn điện, nước cho các gia đình trong khuôn khổ gói hỗ trợ trên.
Chính phủ có kế hoạch giảm 7 yen/kilowatt trong hóa đơn điện của các gia đình, đồng nghĩa với việc trung bình mỗi gia đình sẽ tiết kiệm được khoảng 2.800 yen một tháng. Các công ty sẽ nhận được giá điện hỗ trợ là 3,5 yen/kilowatt giờ.
Đối với giá xăng dầu tại thành phố, chính phủ sẽ hỗ trợ mức giá 30 yen/m3 tiêu thụ, giúp một gia đình trung bình tiết kiệm khoảng 900 yen một tháng.
Các khoản trợ cấp hiện tại dành cho các nhà bán buôn dầu để giảm giá xăng và dầu hỏa bán lẻ sẽ được gia hạn sau tháng 12.
Theo tính toán của chính phủ, gói kích cầu nhằm vào năng lượng sẽ giúp một gia đình Nhật Bản trung bình tiết kiệm hóa đơn điện, xăng 45.000 yen trong 9 tháng, hạn chế lạm phát tiêu dùng gia tăng khoảng 1,2 điểm phần trăm.
Kế hoạch chi tiêu lớn này được công bố bất chấp tình hình tài chính công của Nhật Bản đang suy yếu.
Lạm phát gia tăng đã tác động đáng kể đến Nhật Bản trong khi nền kinh tế của nước này phục hồi sau khủng hoảng COVID-19 chậm hơn nhiều so với các nền kinh tế tiên tiến khác.
Kết thúc phiên họp thường kỳ kéo dài trong hai ngày 27-28/10, Hội đồng Chính sách Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định nâng dự báo lạm phát ở Nhật Bản trong tài khóa 2022 (kết thúc vào cuối tháng 3/2023) từ 2,3% lên 2,9%, đồng thời hạ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế nước này từ 2,4% xuống còn 2%.
Tại thủ đô Tokyo, theo dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 28/10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi trong tháng 10 đã tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất trong hơn 40 năm qua. Chỉ số lạm phát ở thủ đô Tokyo được sử dụng để dự đoán lạm phát tại các nơi khác ở Nhật Bản. Các nhà kinh tế dự đoán CPI lõi của nước này sẽ tăng hơn nữa từ nay đến cuối năm, thách thức nỗ lực duy trì chính sách lãi suất siêu thấp của BOJ.