Quyết định này nhấn mạnh việc chính phủ Nhật Bản quyết tâm tổ chức sự kiện thể thao trị giá hàng tỷ USD bất chấp sự phản đối của công chúng và lo ngại về các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai.
Nhật Bản hiện đã kiểm soát được làn sóng lây nhiễm trong nước, tuy nhiên việc triển khai vaccine của nước này diễn ra hết sức chậm chạp và hệ thống y tế tại một số nơi đã bị đẩy đến giới hạn.
Theo các nhà chức trách, giới hạn khán giả vào sân sẽ ở mức 50% sức chứa của địa điểm, tối đa là 10.000 người. Con số này có thể tiếp tục giảm sau ngày 12/7, dựa trên các quy định của tình trạng khẩn cấp hoặc các biện pháp phòng dịch mới.
Quy định về khán giả được công bố sau các cuộc đàm phán 5 bên giữa các nhà tổ chức Tokyo 2020, chính phủ Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo cũng như các ủy ban Olympic và Paralympic quốc tế.
Trước cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach cho biết tỷ lệ tiêm chủng cho các vận động viên và quan chức cư trú tại làng Olympic hiện đã ở mức "trên 80%", vượt quá kỳ vọng ban đầu của IOC.
Bộ trưởng Olympic Nhật Bản Marukawa Tamayo kêu gọi IOC tiếp tục công bố tỷ lệ tiêm chủng của tất cả các du khách tham dự Olympic từ nước ngoài, bao gồm cả những người ở bên ngoài làng Olympic.
"Vì lợi ích của việc làm cho tâm trí của công chúng thoải mái, chúng tôi muốn tiếp tục yêu cầu IOC chủ động công khai tỷ lệ tiêm chủng của các quan chức Thế vận hội sẽ đến từ nước ngoài", bà Marukawa nói.
Trước đó hôm thứ Hai, Thủ tướng Suga Yoshihide cho biết ông sẽ không loại trừ việc tổ chức Thế vận hội mà không có khán giả nếu thủ đô đang trong tình trạng khẩn cấp vì COVID-19.
“Trong trường hợp tình trạng khẩn cấp được ban bố thì chúng tôi không thể loại trừ việc tổ chức mà không có khán giả,” ông Suga nói.
Tuần trước, chính phủ Nhật Bản đã quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp cho Tokyo và 8 tỉnh khác. Chính phủ đã duy trì các biện pháp hạn chế ít nghiêm khắc hơn cho 7 trong số 9 tỉnh, bao gồm cả Tokyo, cho đến ngày 11/7, chưa đầy hai tuần trước khi Thế vận hội chuẩn bị khai mạc.