Được biết, có tổng cộng 47 công ty Nhật Bản là nhà tài trợ chính thức cho Thế vận hội Tokyo 2020 với tổng số tiền hơn 3 tỷ USD. Đây được xem là sự kiện thế thảo được tài trợ nhiều nhất trong lịch sử, thế nhưng hiện có tới 80% dư luận Nhật Bản muốn hủy bỏ hoặc hoãn lại.
Giám đốc điều hành cấp cao của một công ty tài trợ cho biết: "Tôi không nghĩ rằng đề xuất hoãn lại sẽ tác động mạnh mẽ đến các nhà tổ chức bởi họ hoàn toàn quyết tâm tổ chức vào ngày 24/7. Nhưng sự kiện chỉ có ý nghĩa khi có nhiều khán giả được tiêm chủng tới xem hơn, thời tiết mát mẻ hơn và nhận được sự ủng hộ của người dân".
Tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát và chiến dịch tiêm chủng chậm chạp đã khiến công chúng Nhật Bản phản đối Olympic và khán giả nước ngoài không thể tới theo dõi các trận đấu.
Hiện Nhật Bản đã tiêm chủng cho hơn 14 triệu người, tương đương 11% dân số.
Các nhà tài trợ đã được Ủy ban Olympic Nhật Bản cho biết vào tháng 4 rằng quyết định có cho phép khán giả xem trực tiếp các trận đấu hay không sẽ chỉ được công bố chậm nhất vòa ngày 24/6.
Nhiều công ty đã có các chiến dịch tiếp thị như tặng vé và khuyến mãi tại các địa điểm thi đấu. Các ngân hàng, công ty môi giới, công ty bảo hiểm và các nhà tài trợ công nghiệp lớn khác cũng coi Olypic như dịp để gia tăng uy tín và hình ảnh trong mắt đối tác.
Một số doanh nghiệp cho rằng số tiền chi cho Olympic thực sự "vô giá trị" nhưng việc hoãn lại sự kiện này sẽ cho phép họ thu lại một khoản lợi nhuận không nhỏ với sự có mặt của khán giả trong nước và quốc tế.
Giám đốc điều hành cấp cao của một nhà tài trợ cho biết công ty của ông sẽ sẵn sàng bỏ thêm tiền tài trợ nếu Olympic diễn ra vào cuối năm nay.
"Nếu Thế vận hội hoãn lại vài tháng, phần lớn dân số khi đó đã được tiêm chủng, sẽ có ít bất ổn hơn và chúng tôi chắc chắn sẽ xem xét đầu tư nhiều tiền hơn với tư cách là nhà tài trợ", người này nói.
Tuy nhiên, Ủy ban tổ chức Tokyo 2020 cho biết quyết tâm tổ chức đại hội thể thao vào mùa hè vẫn nhận được sự ủng hộ của chính phủ Nhật Bản, chính quyền Tokyo, Ủy ban Olympic Quốc tế.
"Tokyo 2020 đang mong đợi sự phục hồi sớm nhất có thể cho tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới việc cung cấp các trận đấu an toàn vào mùa hè này", ban tổ chức tuyên bố.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng đã bị chia rẽ gay gắt về việc liệu Nhật Bản có nên đăng cai Thế vận hội hay không. Người sáng lập SoftBank Masayoshi Son và Hiroshi Mikitani, giám đốc điều hành của tập đoàn thương mại điện tử Rakuten, là một trong những nhân vật tiêu biểu nhất lên tiếng phản đối.
Nhưng ngay cả trong số các nhà tài trợ, các công ty đã bị đặt vào tình thế khó xử trước sự phản đối mạnh mẽ của công chúng khiến họ gặp khó khăn trong việc quảng bá sự kiện.
Ông Toyoda Akio - giám đốc điều hành của tập đoàn Toyota, bày tỏ sự thất vọng trước các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của chính phủ ngay trước thềm Thế vận hội Tokyo 2020.
“Đây là một tình huống khẩn cấp nghiêm trọng đòi hỏi phải xử lý khủng hoảng. Thực tế là chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn lo âu và bất mãn", ông Toyoda khẳng định.