Theo Business Insider, phát biểu trước những người ủng hộ trong một buổi tiếp xúc cử tri hôm qua 6/9 tại Billings, Montana, Tổng thống Trump đã đề cập đến những thành quả kinh tế mà chính quyền của ông đã mang lại trong gần 2 năm qua. "Hãy nhìn vào các con số ở mọi lĩnh vực, thật tuyệt vời. Chúng ta đã làm được một việc lớn lao", ông Trump nói.
Tuy nhiên, ông Trump cũng không quên cảnh báo, nếu đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát quốc hội và tìm cách luận tội ông thì khi đó lỗi là do chính những người ủng hộ. "Nếu điều đó (luận tội) xảy ra, thì lỗi là ở quý vị vì đã không đi bỏ phiếu. Chỉ khi quý vị không đi bỏ phiếu thì điều đó mới xảy ra", người đứng đầu Nhà Trắng nói.
“Trong cuộc bỏ phiếu này, quý vị không đơn thuần bỏ phiếu cho một ứng viên mà là bỏ phiếu quyết định đảng nào sẽ kiểm soát quốc hội. Đây là điều rất, rất quan trọng”, ông Trump nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới.
Trước đó, các chuyên gia và chính trị gia cho rằng, cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới có thể là coi là một cuộc trưng cầu dân ý về việc có hay không luận tội đối với Tổng thống Trump sau hàng loạt quyết định gây tranh cãi của ông.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của bang Massachesetts ngày 6/9 đã kêu gọi các thành viên nội các tước quyền của Tổng thống Donald Trump. “Nếu các quan chức cấp cao trong chính quyền cho rằng Tổng thống Mỹ không đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ của ông ấy, họ nên viện dẫn Tu chính án 25 (của Hiến pháp Mỹ)”, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren nói.
Tu chính án 25 của Hiến pháp Mỹ quy định cách thức xử lý khi tổng thống được xác định không đủ khả năng thực hiện các công việc của mình vì lý do nào đó, ngoài việc bị thương hoặc qua đời. Nếu muốn phế truất tổng thống đương nhiệm, nội các phải gửi thư tới Quốc hội Mỹ để giải thích lý do tổng thống không còn phù hợp với vị trí lãnh đạo. Quốc hội sau đó cần ít nhất 2/3 số phiếu ủng hộ từ các nghị sĩ ở cả Thượng viện và Hạ viện để có thể ra quyết định tước quyền tổng thống và đưa phó tổng thống lên nắm quyền thay.
Theo Business Insider