Cụ thể, ông Trump đã nhắm vào Mục 230 của Đạo luật về khuôn phép trong giao tiếp năm 1996, đạo luật bảo vệ các công ty truyền thông xã hội khỏi bị vướng vào các vụ kiện cáo liên quan tới nội dung mà người dùng đăng tải, hãng tin AP cho biết.
Tổng thống Mỹ đã gọi Mục 230 là “một mối đe dọa nghiêm trọng đối với tính toàn vẹn của an ninh quốc gia và bầu cử”.
“Do đó, nếu Mục 230 rất nguy hiểm và không công bằng không được chấm dứt hoàn toàn như một phần của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA), tôi sẽ bị buộc phải phủ quyết dự luật một cách dứt khoát", ông Trump tuyên bố.
Trước đó, chính quyền Trump đã tiến hành cuộc chiến chống lại các công ty truyền thông xã hội, cáo buộc các mạng xã hội như Facebook và Twitter có thành kiến với những người thuộc giới bảo thủ.
Vào tháng 10, ông Trump đã ký một lệnh hành pháp chỉ đạo các cơ quan nhánh hành pháp yêu cầu các cơ quan ra quy tắc độc lập, bao gồm Ủy ban Truyền thông Liên bang và Ủy ban Thương mại Liên bang, nghiên cứu xem liệu họ có thể đưa ra các quy định mới đối với các công ty này hay không.
Kể từ khi thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống, ông Trump liên tục đưa ra các cáo buộc về kết quả gian lận do phía đảng Dân chủ dàn xếp. Twitter đã gắn thẻ nhiều dòng tweet của Trump với nội dung: "Tuyên bố về gian lận bầu cử này gây tranh cãi".
Việc ông Trump đe dọa phủ quyết Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng sẽ tạo ra một rào cản cho việc thông qua biện pháp chính sách quốc phòng hàng năm. Đạo luật này, vốn luôn được thông qua suốt 59 năm, sẽ hướng dẫn chính sách của Lầu Năm Góc và các quyết định về quân số, hệ thống vũ khí mới và sự sẵn sàng của quân đội, chính sách quân nhân và các mục tiêu quân sự khác.
Trong một động thái khác, nguồn tin từ hãng thông tấn Reuters cho rằng một nhóm lên tới 40 tiêu bang, mà đứng đầu là New York, đang điều tra Facebook về những vi phạm chống độc quyền và có kế hoạch đệ đơn kiện công ty này vào tuần tới.
Đây sẽ là vụ kiện lớn thứ hai chống lại một công ty thuộc nhóm "Bộ Tứ" công nghệ quyền lực của Mỹ trong năm nay. Vào tháng 10, Bộ Tư pháp Mỹ đã kiện Google cũng với lý do tương tự.
Hiện chưa rõ các bang sẽ đưa ra những cáo buộc nào chống lại Facebook. Một cáo buộc thường được nhắm vào Facebook đó là công ty này thường có chính sách thâu tóm các đối thủ tiềm năng, như thương vụ mua lại Instagram vào năm 2012 và WhatsApp vào năm 2014.