Mạng xã hội - đỉnh cao và vực sâu của Tổng thống Mỹ Donald Trump

[Ngày Nay] - Chỉ còn 4 tháng nữa là tới cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 2020 và đương kim tổng thống Donald Trump đang trong tình thế “tứ bề thọ địch”. Nếu so với đối thủ Joe Biden, ông Trump đang tụt lại đằng sau.
Cơ hội chiến thắng lần 2 có vẻ càng ngày càng xa vời.
Cơ hội chiến thắng lần 2 có vẻ càng ngày càng xa vời.

Cả hai cỗ máy vận động tranh cử của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều đang hoạt động hết công suất, nhưng yếu tố nào sẽ quyết định người chiến thắng cuối cùng? Trong trường hợp của Donald Trump, chỉ có một câu trả lời duy nhất: Mạng xã hội. Chính mạng xã hội đã đưa ngôi sao truyền hình thực tế này trở thành tổng thống vào năm 2016, và giờ đây, cũng chính nó đang đe dọa sẽ hạ bệ ông.

Cuộc đua giành ưu thế trên mạng xã hội

Địa vị của Tổng thống Donald Trump trong thế giới mạng xã hội chính là một ưu thế hàng đầu của ông. Nó giúp ông có được một hạ tầng thuận tiện để kết nối với những người ủng hộ và cổ súy cho những thông điệp của mình. Tổng thống Trump không thể trông cậy vào các kênh truyền thông truyền thống, bởi hầu hết các đài báo đều không dành thiện cảm cho ông. Thậm chí những kênh truyền hình hữu khuynh như Fox News giờ cũng đang trong tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt” với tổng thống.

Mạng xã hội - đỉnh cao và vực sâu của Tổng thống Mỹ Donald Trump ảnh 1

Tổng thống Trump đang bị nhiều nền tảng mạng xã hội “lạnh nhạt”.

Theo thống kê của hãng tin AP, trung bình mỗi ngày ông Trump đăng tải khoảng 14 bài lên mạng xã hội Facebook, tiếp cận tới 28 triệu người theo dõi kênh vận động tranh cử của mình. Đối thủ Joe của ông chỉ có số bài bằng một nửa và chỉ tiếp cận khoảng 2 triệu người dùng Facebook. Những con số có cùng tương quan cũng được ghi nhận trên các kênh truyền thông mạng xã hội khác.

Tổng thống Trump cũng có khả năng đăng tải thông điệp trên mạng xã hội Twitter với tốc độ còn chóng mặt hơn. Chỉ trong vòng 7 ngày kể từ ngày 14 tháng Sáu, ông đã gửi đi tới 160 thông điệp trên mạng xã hội này. Trên Twitter, con số 82,4 triệu người theo dõi Donald Trump áp đảo con số 6,4 triệu người theo dõi của đối thủ Joe Biden.

Thú vị hơn nữa là cách tổng thống Hoa Kỳ sử dụng mạng xã hội. Ông Trump đã bỏ ra nhiều năm để gây dựng một đội quân KOL chia sẻ các thông điệp tranh cử của ông hàng trăm lần mỗi ngày. Đương kim tổng thống cũng bỏ ra số tiền nhiều gấp ba lần đối thủ của mình cho hoạt động quảng cáo trên Google và YouTube.

Mạng xã hội - đỉnh cao và vực sâu của Tổng thống Mỹ Donald Trump ảnh 2

Cũng theo thống kê của AP, Tổng thống Trump đã chia sẻ hàng chục thông điệp Twitter của những người dùng mạng xã hội Twitter khác, gồm có cả các KOL, các tờ báo theo khuynh hướng bảo thủ, các chính trị gia “hạng ruồi”, thậm chí cả những người dùng vô danh truyền bá các thuyết âm mưu.

Sự liên hệ gần gũi với những người ủng hộ là một lĩnh vực mà Donald Trump chiếm lợi thế so với đối thủ Joe Biden. Người dùng mạng xã hội Twitter thích thú với việc được tổng thống và những người thân cận với ông chia sẻ lại các bài đăng của mình. Họ coi việc tạo nội dung twit là một cuộc chơi mà phần thưởng cao nhất là được tổng thống để mắt và chia sẻ lại.

Đối thủ Joe Biden đi theo hướng bảo thủ và truyền thống hơn. Ông đăng các thông điệp Twitter một cách dè dặt, và chỉ chia sẻ những thông điệp từ các nguồn xác tín, ví dụ như từ cựu Tổng thống Obama hoặc các cơ quan truyền thông lớn. Nhận thấy điểm yếu của mình, ứng cử viên Joe Biden và đội ngũ tranh cử của ông cũng đang tích cực hành động để thiết lập một thế lực mạng xã hội của chính mình.

Tháng 6 vừa qua, ông Biden đã lần đầu tiên “tiêu hoang” hơn đối thủ khi bỏ ra số tiền nhiều gấp đôi để quảng cáo trên mạng xã hội Facebook. Đội ngũ tranh cử của ông cũng đang thu nạp thành viên là người dùng các mạng xã hội Instagram và TikTok. Tuy nhiên, sẽ không dễ để vượt qua được Tổng thống Trump trong lĩnh vực này.

Những cản trở trước mặt ứng cử viên Donald Trump

 Nhưng những giới hạn đang bắt đầu được đặt ra cho khả năng tiếp cận của Donald Trump với người dùng mạng xã hội. Trong bối cảnh chỉ còn 4 tháng nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống và sự chia rẽ trong đất nước đang diễn ra sâu sắc, nhiều công ty cung cấp hạ tầng mạng xã hội đang thắt chặt việc giám sát và kiểm soát nội dung các diễn đàn của ông.

Mạng xã hội - đỉnh cao và vực sâu của Tổng thống Mỹ Donald Trump ảnh 3

Ông Trump bị Twitter cảnh báo bài đăng.

Reddit, một diễn đàn bình luận trực tuyến và là một trong những trang web phổ biến nhất thế giới, vào hồi đầu tuần đã xóa bỏ một diễn đàn phụ của những người ủng hộ ông Trump với lý do bài trừ các phát ngôn gây thù hận. Đây là một phần của một chiến dịch kiểm soát nội dung của Reddit.

Công ty chủ quản có trụ sở tại San Francisco cho biết đã xóa bỏ khoảng 2.000 diễn đàn phụ, phần lớn là vì lý do không hoạt động hoặc có quá ít người tham gia. Riêng diễn đàn The Donald của những người ủng hộ ông Trump thì bị xóa bỏ với lý do diễn đàn này đã có những nội dung khuyến khích bạo lực, vi phạm quy định và tiêu chuẩn cộng đồng của Reddit.

Twitch, một hạ tầng mạng xã hội thuộc sở hữu của công ty Amazon, cũng đã đình chỉ tạm thời tài khoản tranh cử của Tổng thống Donald Trump do đã đăng tải những nội dung có tính kích động thù hận. Cụ thể, Twitch chỉ ra các bình luận có tính kỳ thị chủng tộc với người Mỹ gốc Latin của chính tổng thống tại hai cuộc mít tinh sau đó được đăng tải dưới dạng video lên mạng xã hội này.

Trong một động thái tương tự, mạng xã hội Facebook cũng đã tuyên bố sẽ dán nhãn các bài đăng của Tổng thống Trump nếu có dấu hiệu vi phạm các quy định về nội dung liên quan đến bầu cử và phát ngôn kích động thù hận.

Ứng dụng giao lưu video Snapchat hồi tháng trước cũng tuyên bố sẽ ngừng hiển thị tài khoản của Tổng thống Trump trên hạ tầng này.

Mạng xã hội - đỉnh cao và vực sâu của Tổng thống Mỹ Donald Trump ảnh 4

Những sự thay đổi này đến từ một lý do đơn giản: Áp lực từ các nhà quảng cáo. Các công ty mạng xã hội, dẫn đầu là Facebook, đang đứng những lời chỉ trích về việc dung túng cho tin giả và các nội dung gây chia rẽ, kích động thù hận. Nhiều nhóm hoạt động dân sự đã kêu gọi các nhà quảng cáo ngừng hợp tác với Facebook với cáo buộc rằng hãng này “mũ ni che tai” trước các nội dung độc trên hạ tầng của mình.

Các tập đoàn lớn, điển hình là đại gia ngành hàng tiêu dùng Unilever - một trong những nhà quảng cáo hàng đầu thế giới, và các công ty như hãng viễn thông Verizon và hãng chế tạo ô tô Ford đã tham gia vào phong trào tẩy chay Facebook bắt đầu từ tháng Bảy này. Mỗi ngày, lại thêm hàng loạt các công ty khác tham gia vào phong trào. Trong khi một số công ty mới chỉ ngừng quảng cáo trên Facebook, nhiều công ty khác tiến xa hơn và “cạch mặt” cả những mạng xã hội như Twitter.

Hãng Ford ngừng quảng cáo trên toàn bộ các hạ tầng mạng xã hội quốc gia trong vòng 30 ngày. Ford tuyên bố các nội dung kích động thù hận, bạo lực và phân biệt chủng tộc cần phải được loại bỏ khỏi các hạ tầng này.

Trước những diễn biến này, đội ngũ vận động tranh cử của Tổng thống Trump đưa ra một giải pháp không thể đáng thất vọng hơn: Kêu gọi những người muốn nghe trực tiếp từ tổng thống cài đặt một ứng dụng riêng của chiến dịch tranh cử này.

Triển vọng tái đắc cử không mấy sáng sủa

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy một triển vọng không mấy sáng sủa cho khả năng tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump. Những cuộc khảo sát cấp độ quốc gia được tiến hành hồi tháng 6 cho thấy ông Trump đang “hụt hơi” trước địch thủ Joe Biden của đảng Dân chủ.

Mạng xã hội - đỉnh cao và vực sâu của Tổng thống Mỹ Donald Trump ảnh 5

Tổng thống Trump là người biết tận dụng mạng xã hội.

Khảo sát của hãng Gallup cho thấy tỉ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Trump đã giảm 10 điểm xuống còn 39%; đối thủ Joe Biden đang dẫn trước tại hầu hết các bang “chiến địa”. Một khảo sát của CNN cũng cho thấy trên phạm vi toàn quốc, Joe Biden đang dẫn trước tới 14 điểm.

Còn cuộc thăm dò dư luận do Tạp chí Phố Wall tiến hành cũng cho thấy 80% người Mỹ cho rằng đất nước đang rơi vào tình trạng “mất kiểm soát”. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng trong nội các Donald Trump cũng đã phải lên tiếng cảnh báo rằng tổng thống đang vi phạm hiến pháp và gây chia rẽ trong người dân một cách không cần thiết.

Và đại dịch COVID-19 cũng là một yếu tố lớn dẫn đến sự thất thế của Tổng thống Donald Trump. Những thiệt hại lo lớn về người và của, cũng như cách phản ứng gây tranh cãi của tổng thống, đã khiến ông mất đi sự ủng hộ của đối tượng cử tri da trắng ở vùng nông thôn - vốn là một đối tượng quan trọng quyết định chiến thắng năm 2016 của ông.

Các sự kiện vận động tranh cử đã phải đóng băng trong nhiều tháng, và ưu thế về khả năng tài chính trong vận động tranh cử cũng không được như mức mong đợi do đại dịch khiến nhiều nhà tài trợ phải thắt chặt hầu bao. Các cuộc khảo sát công khai và nội bộ đều cho thấy sự ủng hộ dành cho Tổng thống Trump cũng đã hao mòn đi đáng kể trong đối tượng cử tri cao tuổi tại các bang “chiến địa”, những người vốn trước đây dành sự ủng hộ khá chắc chắn cho ông.

Tháng trước, Twitter đã dán nhãn “truyền thông tác động” với video có tựa đề “em bé hoảng sợ bỏ trốn khỏi đứa trẻ phân biệt chủng tộc” trên tài khoản của Trump. Khi bấm vào dòng chữ này, người dùng sẽ được chuyển tới trang do Twitter quản lý, cung cấp các thông tin từ nhiều nhà báo, khẳng định video Trump chia sẻ đã bị chỉnh sửa.

Trong phần giải thích các chính sách của mình, Twitter cho biết họ có thể dán nhãn “truyền thông tác động” dưới các bài đăng để giúp mọi người hiểu tính xác thực của chúng cũng như cung cấp “bối cảnh bổ sung”. Sau đó, video này bị Twitter xóa.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump từng nổi giận khi bị Twitter gắn nhãn “nội dung gây hiểu lầm” cho hai bài đăng của mình.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.