Bức tượng này được phát hiện hôm 7/3 tại phế tích đền vua Ramses II ở khu vực xưa kia là thành phố Heliopolis, ngày nay thuộc phía đông Cairo, Ai Cập. Các nhà khảo cổ tin rằng đây là tượng tạc vị pharaoh nổi tiếng Ramses II, người trị vì Ai Cập cách đây 3.000 năm.
Ông Khaled al-Anani, bộ trưởng Bộ Di tích Cổ vật Ai Cập, cho biết bức tượng làm từ đá quartzit. Đây là loại đá có độ cứng lớn, chịu phong hóa tốt, cường độ chịu nén cao.
"Chúng tôi đã tìm thấy nửa thân tượng, phần dưới đầu và giờ đã đưa được đầu tượng lên, tìm thấy vương miện cũng như một mảnh của mắt phải", ông Anani cho biết, đồng thời khẳng định đây là "một trong những phát hiện quan trọng nhất".
Ngoài bức tượng 8 m, các nhà khảo cổ còn khai quật được phần trên của một bức tượng đá vôi tạc pharaoh Seti II, cháu nội của pharaoh Ramses II, dài khoảng 80 cm.
Các chuyên gia giờ đây đang nỗ lực khai quật những phần còn lại của cả 2 bức tượng trước khi tiến hành phục dựng. Nếu họ thành công và bức tượng được xác thực là vua Ramses II, nó sẽ được đưa đến Bảo tàng lớn Ai Cập dự kiến được khánh thành tại Giza vào năm 2018.
Ramses II hay Ramses Đại đế, trị vì từ năm 1279 đến năm 1213 trước Công nguyên, được xem là một trong những vị pharaoh vĩ đại nhất. Ông là vị vua thứ 3 vương triều thứ 19 của Ai Cập cổ đại.
Trong thời gian trị vì, vua Ramses II từng tiến hành nhiều cuộc viễn chinh, mở rộng lãnh thổ Ai Cập đến Syria về phía đông và đến bắc Sudan về phía nam. Những người kế vị vẫn gọi ông là "ông tổ vĩ đại", "đại đế của các đại đế".
Theo Guardian, phát hiện này có thể là cú hích cho ngành du lịch Ai Cập vốn bị ảnh hưởng từ phong trào nổi dậy lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak hồi năm 2011, dù vẫn là nguồn thu ngoại tệ chính của nước này.