Phong sát: Chiến dịch thanh lọc hay hố đen của ngành giải trí Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Giữa tuần qua, Triệu Vy tiếp tục là cái tên mới nhất dính lệnh “phong sát” từ chiến dịch thanh lọc ngành giải trí của Trung Quốc. Những nội dung liên quan đến nữ diễn viên viên 7x, gương mặt nổi bật của nền công nghiệp phim ảnh đại lục suốt hai thập kỷ vừa qua được cho là đã “bay màu” khỏi những nền tảng trực tuyến lớn nhất quốc gia này chỉ vỏn vẹn trong vòng một đêm.
Ảnh: DanViet
Ảnh: DanViet

Sau khi dính lệnh phong sát, tên tuổi của Triệu Vy hoàn toàn biến mất khỏi các nền tảng trực tuyến chủ lực tại Trung Quốc. Trên trang bách khoa toàn thư Baidu (được xem như Google của Trung Quốc), từ khóa "Triệu Vy" đã không còn hiển thị kết quả.

"Phong sát" là thuật ngữ ám chỉ việc nghệ sĩ vi phạm pháp luật hoặc gây bất bình lớn trong cộng đồng, phải hứng chịu sự tẩy chay, cấm sóng, đưa vào danh sách đen của các cơ quan truyền thông. Phong sát là hình phạt đáng sợ nhất đối với các nghệ sĩ Hoa ngữ. Bởi không chỉ đóng băng sự nghiệp của họ, lệnh phong sát còn hậu thuẫn cho các hành động xóa sạch dấu tích tên tuổi, tác phẩm từng góp mặt hay giải thưởng đã đạt được. Một khi vướng án “tru di” sự nghiệp này, các ngôi sao khó lòng quay trở lại Cbiz.

Phong sát: Chiến dịch thanh lọc hay hố đen của ngành giải trí Trung Quốc ảnh 1

Cú "ngã ngựa" sau 28 năm làm nghề. Ảnh: Travelmag

Trong những năm vừa qua, có nhiều nghệ sĩ Trung Quốc bị áp lệnh phong sát, hầu hết là những cái tên từng đứng trong danh sách sao hạng A như Phạm Băng Băng với án trốn đóng thuế, Lý Tiểu Lộ và scandal ngoại tình hay Kha Chấn Đông với tội danh sử dụng chất ma túy.

Tuy nhiên chỉ đến Triệu Vy, án phong sát mới được nới rộng hết biên độ. Tên tuổi bị gạch khỏi tất cả các bảng xếp hạng và giải thưởng uy tín. Các tác phẩm xuất sắc nhất sự nghiệp của cô được cho là đang đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn.

Sau nhiều năm hoạt động tích cực trong Cbiz, Triệu Vy đã bỏ túi không ít giải thưởng cùng sự vinh danh tại các Liên hoan phim trong nước. Triệu Vy từng giành giải Kim Tước (giải thưởng cao quý của Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải) vào năm 2005 trong hạng mục "Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất" với bộ phim "Tình nhân kết". Nhưng sau scandal chấn động, giới truyền thông phát hiện danh sách trao giải năm đó trên Baidu chỉ còn giữ tên phim "Tình nhân kết", còn tên Triệu Vy thì đã biến mất từ bao giờ.

Tên cô cũng bị loại khỏi danh sách Tứ đại hoa đán của nền điện ảnh Hoa ngữ, bao gồm "Chương quốc tế" Chương Tử Di, "Triệu quốc dân" Triệu Vy, "Châu diễn xuất" Châu Tấn và "Từ tài nữ" Từ Tịnh Lôi.

Phong sát: Chiến dịch thanh lọc hay hố đen của ngành giải trí Trung Quốc ảnh 2

Tên của Triệu Vy đã bị xóa khỏi các tác phẩm từng tham gia diễn xuất. Ảnh: MTV.

Triệu Vy cũng bị xóa tên khỏi hàng loạt những sản phẩm truyền hình, phim điện ảnh, TVC quảng cáo trên các nền tảng giải trí lớn của Trung Quốc như Tencent, Youku, iQiyi. Các website, hashtag dành cho người hâm mộ theo dõi thông tin về cô cũng bị ẩn không còn dấu vết.

Theo SCMP, cho dù vẫn còn có thể tìm thấy một số chương trình có Triệu Vy góp mặt trên Internet. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, tên của nữ diễn viên đã bị ẩn hoặc được thay thế bởi những ký hiệu ô vuông trong phần mô tả. Các tác phẩm vốn có chỗ đứng vững chắc trong nền điện ảnh Hoa ngữ của Triệu Vy như Kinh hoa yên vân, Tân dòng sông ly biệt hay Họa bì được tiên liệu sẽ biến mất hoặc bị sửa chữa trong thời gian sắp tới. Đặc biệt, hai phần của Hoàn châu Cách Cách, bộ phim Triệu Vy thủ vai chính, từng làm nên tên tuổi của một thế hệ diễn viên hạng A tại đại lục đã bị gỡ khỏi danh mục của Tencentvideo, đơn vị duy nhất nắm giữ bản quyền bộ phim.

Thanh trừng quy mô lớn

Có hai giả thuyết đáng chú ý nhất về lý do áp đặt lệnh phong sát dành cho Triệu Vy. Giả thuyết thứ nhất liên quan đến Trương Triết Hạn, vốn là học trò của nàng Tiểu Yến Tử. Trước khi Triệu Vy bị phong sát một tuần, Trương Triết Hạn cũng bị loại khỏi showbiz do để lộ bức ảnh cũ chụp tại đền Yasukuni (Nhật Bản), nơi thờ quân lính tử trận nhân danh Nhật hoàng trong các cuộc thảm sát trước Thế chiến thứ 2, kể cả những tội phạm chiến tranh hạng A theo phán quyết của tòa án quân sự Viễn Đông. Ngôi đền vốn bị Trung Quốc xem như một biểu tượng cho sự hung hăng, thiếu hối cải của Phát xít Nhật. Cư dân mạng đồn đoán có thể sự “rớt đài” do liên quan đến chính trị của Triết Hạn liên lụy tới Triệu Vy, vì vụ việc gợi nhớ lại sự kiện nữ diễn viên từng mặc một chiếc áo in hình Húc Nhật Kỳ, biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản vào năm 2001.

Trong 28 năm làm nghề, Triệu Vy vướng vào không ít scandal chấn động như lập công ty ma, lợi dụng hiệu ứng người nổi tiếng gây nhiễu loạn thị trường chứng khoán và thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà đầu tư, vướng nhiều lùm xùm tình ái…

Giả thuyết thứ hai là do những sai phạm trong lĩnh vực thương mại của chính “én nhỏ”. Cô có mối quan hệ mật thiết với tỷ phú Mã Vân, người giàu thứ hai tại Trung Quốc. Được biết, chính bản thân Mã Vân cũng đã bị thất sủng và đang nằm trong diện điều tra của Trung Nam Hải.

Dù lý do là gì, việc xóa tất cả các đề cập liên quan đến Triệu Vy trên các nền tảng số cũng hé lộ tính chất nghiêm trọng của vụ việc lần này. So sánh với Phạm Băng Băng, sao hạng A cũng bị phong sát vì những vấn đề liên quan đến tài chính, sau khi rời chấp nhận rời làng giải trí và chịu mức nộp phạt lên tới 130 triệu USD, mỹ nhân họ Phạm vẫn bảo toàn được toàn bộ tác phẩm cũng như danh hiệu.

Vài năm trở lại đây, việc cấm sóng, cấm hợp tác, đỉnh điểm là tẩy xóa tên tuổi người nổi tiếng có hành vi sai trái một cách công khai đang ngày một lan rộng trong làng giải trí Hoa ngữ. Hai trường hợp đáng kể nhất có thể đặt lên bàn cân cùng Triệu Vy trong nửa năm trở lại đây là Trịnh Sảng và Ngô Diệc Phàm.

Hợp đồng âm dương để chỉ hành vi ký kết hai bản hợp đồng có nội dung khác nhau nhưng cùng về một vấn đề, trong đó bao gồm một hợp đồng đối nội và một hợp đồng đối ngoại. Giữa hai hợp đồng chỉ hợp đồng đối nội mới nêu đúng bản chất và giá trị của giao dịch.

Với Trịnh Sảng, nguyên nhân khiến cô nhận án phong sát triệt để là do đã thuê người mang thai hộ ở Mỹ rồi bỏ rơi hai đứa trẻ. Ngoài ra, nữ diễn viên còn bị buộc tội trốn thuế, sử dụng hợp đồng âm dương. Ngày 26/8, Cơ quan Quản lý Nghệ thuật Trung Quốc đã ra văn bản chính thức về trường hợp của Trịnh Sảng. Trong đó yêu cầu tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng, các dự án phim không được mời nữ diễn viên góp mặt. Trịnh Sảng đã bị cấm hoạt động vĩnh viễn tại đại lục, các bộ phim cô tham gia sẽ không còn được phát sóng trong tương lai.

Trước đó, vào cuối tháng Bảy, nam diễn viên gốc Canada Ngô Diệc Phàm cũng nhận quyết định phong sát toàn diện của Ủy ban Công tác Thanh niên thuộc Hiệp hội Sản xuất phim truyền hình Trung Quốc. Cụ thể, đơn vị này ra văn bản yêu cầu tạm dừng hợp tác với Ngô Diệc Phàm sau bê bối tình dục chấn động châu Á. Nội dung văn bản cho thấy các cá nhân, đơn vị đang hợp tác với nam diễn viên phải “kịp thời ngăn chặn tổn thất”, “dừng mọi hoạt động đàm phán”.

Phong sát: Chiến dịch thanh lọc hay hố đen của ngành giải trí Trung Quốc ảnh 3

Văn bản phong sát Ngô Diệc Phàm từ Ủy ban Công tác Thanh niên thuộc Hiệp hội Sản xuất phim truyền hình Trung Quốc. Ảnh: CLY

Ngày 27/8, Thời báo Hoàn Cầu đăng tải ảnh chụp một danh sách nghệ sĩ sẽ bị chính quyền Trung Quốc xử lý sai phạm, cấm hoạt động nghệ thuật. Theo đó, số lượng ngôi sao bị xử lý lên đến con số hàng chục người. Trong đó có những cái tên đạo diễn, nghệ sĩ gạo cội hoặc đang đứng trên đỉnh cao danh vọng tại Trung Quốc như: Lý An, Triệu Vy, Cao Hiểu Tùng, Vương Toàn An,… Nếu danh sách này được áp dụng thì lời đồn về một cuộc “đại thanh trừng” của chính quyền Trung Quốc nhằm thiết lập lại trật tự trong giới giải trí đang dần trở nên rõ nét.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, một số bình luận cho biết các cuộc phong sát liên tục trong thời gian gần đây gợi họ nhớ đến cuộc Cách mạng Văn hóa diễn ra từ năm 1966 đến 1976. Đó là thập kỷ hỗn loạn của nghệ thuật, văn hóa khi nhiều nghệ sĩ, tác phẩm bị thanh lọc, kiểm duyệt trong khuôn khổ của chính quyền.

Ban lãnh đạo Trung Quốc vốn coi văn hóa đại chúng như một chiến trường then chốt để xây dựng ý thức hệ. Từ lâu, lĩnh vực giải trí đã chịu sự giám sát gắt gao từ phía các cơ quan quản lý. Trong hai thập kỷ gần đây, văn hóa đại chúng của đất nước được cho đã cởi mở hơn để khuyến khích sự phát triển, thu hút thị hiếu công chúng thay cho các tác phẩm Hollywood và các nước khác.

Tuy nhiên sự lạm dụng mức độ nổi tiếng của một số nghệ sĩ, cộng thêm sự điên cuồng của một bộ phận người hâm mộ đang ngày càng được chính phủ xem xét như một hiện tượng thiếu lành mạnh, ảnh hưởng xấu tới tâm lý của giới trẻ nước này.

Không những thế, thu nhập cao ngất của những ngôi sao hạng A như một lời nhắc nhở về khoảng cách giàu nghèo đang ngày một gia tăng tại Trung Quốc. Ở đây có thể kể đến trường hợp của Trịnh Sảng. Nữ diễn viên được cho là đã sử dụng “hợp đồng âm dương” để nhận hơn 24 triệu USD cho hai tháng rưỡi quay một bộ phim tình cảm. Nghĩa là trung bình một ngày, cô kiếm được ít nhất 300.000 USD. Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng tiết lộ đang có 60 triệu người Trung Quốc sống dưới mức thu nhập 140 USD mỗi tháng.

Đằng sau lệnh phong sát

Không chỉ nhằm tới việc xử phạt người nổi tiếng, chấn chỉnh hành vi của nghệ sĩ Cbiz, các nhà chức trách Trung Quốc được cho là sẽ ra tay xử lý văn hóa thần tượng đang trở nên ngày càng thái quá trong giới trẻ. Cũng trong ngày 27/8, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) công bố 10 biện pháp để “dọn dẹp” những hiện tượng mà họ gọi là “sự hỗn loạn của các fandom (câu lạc bộ dành cho những người cùng hâm mộ một ngôi sao)” .

Trong 10 biện pháp kể trên, nổi bật nhất là lệnh cấm mọi nỗ lực gian lận của người hâm mộ để đưa nghệ sĩ vào các bảng xếp hạng mà không xét tới năng lực, siết chặt quy định đối với các công ty quản lý ngôi sao và các fandom, tránh tình trạng các cộng đồng fan gây rối, tổ chức những đợt quyên góp nhằm mục đích cung phụng, chạy đua danh lợi cho thần tượng.

Nhiều người hâm mộ được ghi nhận đã lạm dụng trên không gian mạng để tung tin đồn, thóa mạ, công kích lẫn nhau để bảo vệ và cung phụng thần tượng cũng gây ra hệ quả đáng lo ngại. Cuối tuần vừa qua, cơ quan giám sát chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đả kích điều mà họ gọi là “văn hóa thần tượng độc hại”. Cơ quan này cáo buộc một bộ phận giới trẻ Trung Quốc đang “ủng hộ các giá trị sai trái”, “làm vấy bẩn một hệ sinh thái internet trong sạch”. Các nhà chức trách nêu rõ, nếu không được hướng dẫn thay đổi, điều này có thể “gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần và thể chất của thế hệ trẻ, làm băng hoại đạo đức xã hội”.

Phong sát: Chiến dịch thanh lọc hay hố đen của ngành giải trí Trung Quốc ảnh 4

Văn hóa tôn sùng thần tượng đang trở nên độc hại tại Trung Quốc. Ảnh: VnExpress.

Chính quyền Trung Quốc cũng đặc biệt lo ngại trước những dấu hiệu báo động về sự quá kích mà những người hâm mộ trẻ tuổi đang thể hiện trên không gian mạng lẫn môi trường thực tế để ủng hộ thần tượng. Một ví dụ nổi cộm là sau khi Ngô Diệc Phàm bị bắt giữ. Một số người hâm mộ nam diễn viên đã công khai kêu gọi một “chiến dịch giải cứu” nhằm giúp Ngô Diệc Phàm thoát khỏi sự điều tra của cảnh sát, thậm chí là vượt ngục.

Trên một cuộc thảo luận có chủ đề tương tự, một chủ tài khoản Weibo còn cho biết: “Tôi có kế hoạch cứu Phàm Phàm (Ngô Diệc Phàm). Sau khi xem phim Vượt ngục, tôi đã biết mình cần làm gì để cứu anh ấy”. Dù đây có thể coi là lời nói suông vì có rất ít người sẽ suy nghĩ nghiêm túc về việc giúp Ngô Diệc Phàm bỏ trốn. Nhưng đối với chính thể luôn đặt tính ổn định và kiểm soát cao lên hàng đầu như Trung Quốc, hành động trên như một lời cảnh báo rằng giới trẻ sẵn sàng thách thức quyền lực nhà nước vì một thần tượng họ tôn thờ.

Hố đen không chỉ nuốt chửng sự nghiệp một ngôi sao

Mặc dù đa phần các cá nhân nổi tiếng bị phong sát đều vì những lý do thích đáng. Nhưng việc tẩy trắng hoàn toàn danh tính và các tác phẩm của họ trên không gian mạng được những người theo dõi nghệ thuật ví như sự hình thành của lỗ đen đằng sau sự sụp đổ của một ngôi sao.

Trước thông tin về việc Hoàn Châu Cách Cách, tác phẩm đã để lại ký ức sâu sắc trong lòng thế hệ 8x, 9x đã bị gỡ khỏi Internet, cộng đồng mạng tại Trung Quốc và một số quốc gia lân cận hiện đang chia làm hai luồng ý kiến rõ rệt xung quanh vấn đề này.

Phong sát: Chiến dịch thanh lọc hay hố đen của ngành giải trí Trung Quốc ảnh 5

Triệu Vy không phải cá nhân duy nhất làm nên thành công của Hoàn Châu Cách Cách. Ảnh: Elle.

Trong đó, một phe ủng hộ cách làm của chính quyền đại lục, cho rằng việc phong sát các ngôi sao nổi tiếng có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật là việc làm đáng được cổ súy. Trong bối cảnh một nền giải trí có nhiều biểu hiện độc hại như Trung Quốc hiện tại, cần có những hành động cấp thiết để nêu gương cho những cá nhân đã, đang và sẽ trở thành người của công chúng.

Nhưng ở chiều ngược lại, bản án “tru di” các tác phẩm của những người phạm lỗi không thuyết phục được những người đam mê nghệ thuật. Họ cho rằng mỗi tác phẩm không được làm nên bởi công sức của duy nhất một cá nhân diễn viên mà đằng sau đó còn là cả một ekip làm phim với hàng trăm con người cùng bắt tay vào quá trình tạo tác.

Việc xóa bỏ, cấm một tác phẩm chỉ vì sai phạm của một cá nhân không chỉ phủi sạch công lao của những người khác mà còn khiến tài nguyên bỏ ra để thực hiện một bộ phim bị lãng phí. Không chỉ vậy, việc tẩy xóa các tác phẩm đã trở thành kinh điển, từng tạo nên khuôn thước hay đánh dấu cột mốc phát triển của nền điện ảnh cũng đồng nghĩa với việc tự khoét những lỗ hổng không thể bù đắp nổi cho một nền nghệ thuật.

Nói về việc phong sát từng gây ảnh hưởng, thậm chí làm “chết yểu” tài năng nghệ thuật, ở Trung Quốc đã từng có một trường hợp dính phong sát tức tưởi khi đang ở độ chín của sự nghiệp. Nhân vật được nói đến ở đây chính là nữ diễn viên Thang Duy.

Nhắc đến Thang Duy là nhắc đến "Sắc, Giới". Đây là bộ phim đã mang về chuỗi thắng lợi lớn cho điện ảnh Hoa ngữ khi đạt giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice lần thứ 64, nhận đề cử giải Quả cầu vàng và Giải thưởng Điện ảnh của Viện Hàn lâm Anh Quốc (BAFTA). Trong nội địa, "Sắc, Giới" cũng đạt đến bảy giải thưởng tại Lễ trao giải điện ảnh Kim Mã 2007.

Tuy nhiên những vinh quang này đã không mang đến một tương lai tốt đẹp cho nữ diễn viên. Thay vì giúp cô tiếp tục tỏa sáng trong địa hạt điện ảnh, bộ phim trở thành nguồn cơn cho những tháng ngày tăm tối nhất của Thang Duy.

Phong sát: Chiến dịch thanh lọc hay hố đen của ngành giải trí Trung Quốc ảnh 6

Thang Duy trong "Sắc, Giới".

Cụ thể, vì có nội dung liên quan đến sắc dục và những cảnh quay trần trụi, "Sắc, Giới" bị gắn mắc 18+, nhiều lúc được biết tới như một bộ phim khiêu dâm. Một làn sóng tẩy chay Thang Duy dấy lên tại Trung Quốc ngay sau khi bộ phim công chiếu, khán giả lên án cô quá táo bạo, gây ảnh hưởng xấu tới thuần phong mỹ tục.

Kết quả là đang trên đỉnh cao sự nghiệp, Thang Duy đánh mất tất cả vì một lệnh phong sát. Nữ diễn viên sinh năm 1979 bị Ủy ban nhà nước quản lý Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc (SARFT) cấm hoạt động nghệ thuật trong vòng ba năm. Tất cả hình ảnh của cô bị gỡ bỏ khỏi các hoạt động liên quan đến quảng cáo thương mại trên phạm vi toàn Trung Quốc.

Sau án phạt, Thang Duy chỉ có thể tìm kiếm cơ hội trong các dự án phim tại Hàn Quốc hoặc Đài Loan, nhưng cũng không thể gây được tiếng vang. Cuối cùng, cô đành ngậm đắng ra nước ngoài du học, khép lại sự nghiệp nghệ thuật vốn đã bừng nở bằng cuộc sống ẩn dật bên chồng con tại Hàn Quốc.

Cho tới bây giờ, tuy công chúng Trung Quốc đã có cái nhìn cởi mở hơn về "Sắc, giới" và diễn xuất của Thang Duy năm đó. Nhưng điều này có lẽ quá muộn màng với nữ diễn viên. Lệnh phong sát khiến Thang Duy từ một viên ngọc tỏa sáng, hứa hẹn đóng góp nhiều cho nền điện ảnh đại lục - lại có bước trượt dài trong sự nghiệp. Nữ nghệ sĩ đã đánh mất tất cả bởi chính bộ phim từng là bệ phóng tên tuổi của cô, sau khi nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ các nhà chuyên môn và vô số giải thưởng cao quý.

Trong một diễn biến khác, một “danh sách tổ chức lại” đang được lan truyền với tốc độ chóng mặt, gây xôn xao trên mạng Internet. Danh sách này cho biết SARFT đang đặt ra giới hạn mới đối với những người nổi tiếng mang quốc tịch nước ngoài, trong đó có điều tra, xem xét thái độ chính trị cùng các lệnh hạn chế xuất cảnh.

Những ngôi sao được kể tên trong danh sách trên bao gồm Tạ Đình Phong (Canada), Triệu Hựu Đình (Canada), Vương Lực Hoành (Mỹ), Lưu Diệc Phi (Mỹ), Phan Vỹ Bá (Mỹ). Ngay cả siêu sao võ thuật Lý Liên Kiệt cũng nằm trong vòng nguy hiểm và đang bị réo tên bởi ông mang quốc tịch Singapore.

Phong sát: Chiến dịch thanh lọc hay hố đen của ngành giải trí Trung Quốc ảnh 7

Liệu Lý Liên Kiệt có phải cái tên tiếp theo được gọi lên trong cuộc đại “thanh trừng” này? Ảnh: Thanhnien.

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
(Ngày Nay) - Tối 21/11, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình nghệ thuật dân ca trên thuyền và giao lưu các miền di sản chủ đề "Sắc màu di sản".
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
(Ngày Nay) - Khi tôi nghe thấy tin có người nào đó vừa mất đi, tin ấy với tôi như tiếng chuông thức tỉnh. Tiếng chuông đó là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của kiếp người.
Oai nghi của người tu hành
Oai nghi của người tu hành
(Ngày Nay) - Oai nghi cùng với chánh kiến và tịnh giới là ba yếu tố làm nên đạo hạnh - phẩm chất của tu sĩ Phật giáo, như cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, bậc am tường kinh luật luận đã từng nhấn mạnh.
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.