Dự trữ quốc tế của Ngân hàng trung ương Qatar đã giảm 10,4 tỷ USD trong tháng 6, xuống 24,4 tỷ USD do các lệnh trừng phạt kinh tế của các nước Arab. Đây là con số thấp nhất 5 năm.
Các số liệu công bố hôm qua cũng cho thấy tiền gửi bằng ngoại tệ tại các ngân hàng Qatar đã giảm mạnh nhất gần 2 năm vào tháng trước. Nhiều nhà băng và quỹ đầu tư đã rút tiền khỏi Qatar, gây áp lực lên thanh khoản.
Việc này đã khiến ngân hàng trung ương phải dùng tiền dự trữ để “giảm thiếu hụt và duy trì tỷ giá giữa đồng riyal và đôla. Tuy nhiên, mức giảm này không đến mức báo động. Nguyên nhân là Qatar còn các tài sản nước ngoài trong quỹ đầu tư quốc gia”, Mohamed Abu Basha - nhà kinh tế học tại ngân hàng EFG-Hermes nhận xét.
Nước này hiện sở hữu một trong những quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới, với nhiều bất động sản thanh khoản cao trên toàn cầu. Số tài sản có thể bù đắp cho dự trữ của ngân hàng trung ương nếu giới chức thấy cần thiết. Sự tẩy chay của các nước láng giềng cũng vẫn chưa ảnh hưởng đến xuất khẩu khí hóa lỏng tự nhiên của nước này.
Dù vậy, việc bị cô lập đã khiến Qatar phải mở thêm nhiều tuyến thương mại mới, đắt đỏ hơn để nhập khẩu lương thực, vật liệu xây dựng và máy móc. Nhập khẩu của nước này tháng 6 đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Việc gián đoạn các tuyến thương mại sẽ gây áp lực lên khu vực tăng trưởng không dựa vào dầu mỏ. Mà tốc độ khu vực này đang chậm lại. Các tuyến thương mại mới có thể tác động lên tăng trưởng và tài chính công”, Abu Basha cho biết.
Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và vận tải với Qatar từ ngày 5/6. Các nước này cáo buộc Qatar ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và Israel. Qatar bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời tuyên bố không chấp nhận các điều kiện để nối lại quan hệ ngoại giao.
Theo Vnexpress