Ý tưởng “Liên hợp quốc trên không gian mạng” là một trong số những nỗ lực mà các quan chức Ukraine hy vọng cộng đồng toàn cầu sẽ theo đuổi khi Nga kết hợp các cuộc tấn công mạng với các cuộc tấn công bằng tên lửa để gây bất lợi cho Ukraine.
Ông Yurii Shchyhol cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Politico: “Chúng ta cần Liên hợp quốc trên không gian mạng, các quốc gia đoàn kết trong không gian mạng để bảo vệ chính chúng ta, bảo vệ hiệu quả thế giới của chúng ta trong tương lai, thế giới mạng và thế giới thực của chúng ta. Điều chúng ta thực sự cần trong tình huống này là một trung tâm hoặc địa điểm để chúng ta có thể trao đổi thông tin, hỗ trợ lẫn nhau và tương tác”.
Theo ông Shchyhol, sau một năm liên tục xảy ra các cuộc tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine, như hệ thống năng lượng và liên lạc vệ tinh, cần có một không gian mạng chung giữa các quốc gia. Đề xuất của ông Shchyhol gần như chắc chắn có nghĩa là loại trừ Nga và các đồng minh của Nga.
Việc các đồng minh của Ukraine có ủng hộ ý tưởng này hay không vẫn chưa rõ ràng, mặc dù ông Shchyhol nói: “Các đối tác của chúng tôi, trước hết là Mỹ, có xu hướng đồng ý với chúng tôi về tìm kiếm một không gian để phối hợp làm việc một cách an toàn trên các công nghệ mới”.
Người phát ngôn Cục Không gian mạng và Chính sách Kỹ thuật số của Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về ý tưởng này.
Ông Christopher Painter, cựu điều phối viên không gian mạng của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng so sánh ý tưởng này với Liên hợp quốc mà không bao gồm mọi quốc gia thì không thực sự phù hợp.
Ý tưởng trên được đưa ra trong bối cảnh Ukraine hứng chịu nhiều cuộc tấn công trên không gian mạng.
Tháng 2/2022, đã xảy cuộc tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào các trang web ngân hàng và chính phủ Ukraine trong tuần xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine. Vào tháng 3/2022, xảy ra một cuộc tấn công mạng nhằm vào các đài truyền hình Ukraine cùng ngày một tên lửa phóng vào đài truyền hình Kiev. Tháng 5/2022, lại xảy ra một cuộc tấn công mạng vào trang web của tòa thị chính Lviv vào cùng ngày thành phố này bị pháo kích.
Nhiều cuộc tấn công mạng dường như được thực hiện để trả đũa các động thái chống Nga của Ukraine và các đồng minh.
Ví dụ, vào tháng 10 và tháng 11/2022, hệ thống của cả Thượng viện Ba Lan và Nghị viện châu Âu đã bị tấn công sau cuộc bỏ phiếu tuyên bố Nga là nhà nước bảo trợ khủng bố. Vào tháng 8/2022, xảy ra một cuộc tấn công mạng mạnh nhằm vào trang web của cơ quan năng lượng hạt nhân Ukraine, cùng ngày cơ quan này công bố thông tin về bức xạ hạt nhân tiềm ẩn bắt nguồn từ việc Nga chiếm Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.