Thừa nhận những lo lắng trên thế giới về chính quyền mới ở Washington, phát biểu tại Hội trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chiều 13/1, Ngoại trưởng Kerry khẳng định những lợi ích của Mỹ ở châu Á sẽ đảm bảo cam kết của siêu cường này ở khu vực.
“Lợi ích của Mỹ ở khu vực là rất quan trọng: thương mại bền vững, các ý tưởng sáng tạo, hợp tác an ninh khu vực”, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh. Bài phát biểu ở TP.HCM cũng là bài phát biểu cuối cùng của ông ở châu Á trước khi rời cương vị ngoại trưởng Mỹ.
Từng là cựu binh Mỹ ở Việt Nam cách đây 50 năm, ông Kerry thừa nhận mình là người chứng kiến, đóng vai trò trong quá trình thay đổi mối quan hệ song phương, ông khẳng định lợi ích của Mỹ không đổi dù có chính quyền mới.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng sự thay đổi lãnh đạo sẽ không hạ thấp lợi ích của Mỹ trong khu vực. Quan hệ hợp tác Việt - Mỹ không phụ thuộc vào một cá nhân tổng thống nào, nó phụ thuộc vào những giá trị chúng ta chia sẻ".
Trong 37 chuyến công du tới châu Á của ông, "rất nhiều trong số đó là đến VN (4 chuyến) trong tư cách ngoại trưởng".
"Tôi đứng đây ngày hôm nay, trước mặt tôi hầu hết là các bạn trẻ, những người sinh ra rất lâu sau cuộc chiến tranh. Chúng ta đã đi rất xa kể từ ngày đó, nhưng thành quả ngày hôm nay không phải tự động có mà thông qua công sức và tầm nhìn của rất nhiều người", Ngoại trưởng Kerry nói.
Ngoại trưởng John Kerry và bài phát biểu cuối cùng tại châu Á. Ảnh: Tùng Tin. |
Ông Kerry đến Việt Nam lần thứ 4 trong nhiệm kỳ của mình, và là lần cuối cùng trước khi nước Mỹ có tổng thống mới vào tuần sau. Bao phủ chuyến đi của ông là sự hoang mang về ưu tiên của Tổng thống tân cử Donald Trump sẽ không dành cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trump đã tuyên bố sẽ rút khỏi TPP trong 100 ngày đầu sau nhậm chức.
Hội trường trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM được chọn là địa điểm cho bài phát biểu cuối cùng của Kerry trên cương vị ngoại trưởng vì đây là món quà viện trợ của chính phủ Mỹ cách đây 50 năm. "Một nơi tuyệt vời để chúng ta suy nghĩ về tương lai", ngoại trưởng Mỹ cho biết.
Trở nhiều lần kể từ 1991 tới nay trên nhiều cương vị từ thượng nghị sĩ, ngoại trưởng, ông Kerry nói một điều không đổi ở Việt Nam “là nhu cầu thay đổi”.
Theo ông nhu cầu cho sáng tạo, cho nền kinh tế thị trường là nhu cầu chung của mọi người trong xã hội.
“Chúng ta cần hai thập kỷ để chuyển từ xung đột sang bình thường hoá, hai thập kỷ nữa để từ bình thường hoá sang xây dựng quan hệ đối tác”, ngoại trưởng Mỹ nói.
Ngoại trưởng Mỹ chọn Việt Nam là điểm từ biệt ở châu Á. Ảnh: Tùng Tin. |
Kim ngạch thương mại song phương đã tăng từ 451 triệu USD cách đây 20 năm lên 45 tỉ USD hiện tại. Cách đây 20 năm, VN có 800 sinh viên/năm tới Mỹ, con số này hiện tại là 21.000 sinh viên/năm.
"Chào tạm biệt", ông Kerry kết thúc bài phát biểu của mình và hứa sẽ trở lại Việt Nam với tư cách một công dân bình thường.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sinh năm 1943 tại bang Colorado, Mỹ. Ông tốt nghiệp cử nhân khoa học chính trị học tại Đại học Yale. Sau khi ra trường, Kerry gia nhập lực lượng Hải quân Mỹ.
Ông có bốn tháng tham chiến tại Việt Nam từ cuối tháng 11/1968 đến đầu tháng 4/1969. Người quân nhân trở về Mỹ với nhiều huy chương, gồm một Sao Bạc, một Sao Đồng và ba Chiến Thương Bội Tinh. Thế nhưng, khi về nước, Kerry lại tham gia tích cực vào phong trào chống chiến tranh Việt Nam.
Ngày 22/4/1971, ông Kerry trở thành cựu binh Mỹ tại Việt Nam đầu tiên phát biểu tại Quốc hội về chiến tranh Việt Nam.
Từ năm 1991 đến năm 1993, ông làm người đứng đầu Uỷ ban đặc biệt về các vấn đề Tù binh và Quân nhân mất tích trong Chiến tranh (POW/MIA). Bằng hàng chục chuyến công du Việt Nam và Đông Nam Á cùng việc nghiên cứu hàng nghìn tài liệu, hình ảnh, Thượng nghị sĩ Kerry đã làm sáng tỏ tin đồn nói vẫn còn nhiều binh sĩ Mỹ bị giam trong “các nhà tù bí mật” ở Việt Nam.
Năm 1994, Thượng viện thông qua đề nghị của hai Thượng nghị sỹ John Kerry và John McCain yêu cầu gỡ bỏ cấm vận Việt Nam. John Kerry đảm nhận vị trí ngoại trưởng Mỹ từ tháng 2/2013 đến nay.