Virus viêm gan đã giết chết 1,34 triệu người trong năm 2015, bằng với số người tử vong do cả bệnh lao và HIV/AIDS cộng lại. Tuy nhiên, trong khi số ca tử vong do bệnh lao và HIV/AIDS đang giảm dần mỗi năm, thì số người chết do viêm gan lại tăng 22% kể từ đầu thế kỷ.
Trong số 325 triệu người bị nhiễm virus viêm gan, số người không biết mình mắc bệnh chiếm đa số, một số trường hợp thiếu thuốc điều trị.
Hai dạng phổ biến nhất là viêm gan B (HBV) và viêm gan C (HCV), thủ phạm gây ra 96% số ca tử vong. Phương thức lây truyền của HBV cũng giống như HIV, đều lây truyền qua ba đường: quan hệ tình dục, từ mẹ truyền sang con và đường máu (do tiêm chích, truyền máu). Chỉ có khoảng 9% bệnh nhân biết mình bị nhiễm bệnh, nên nhiều người bỏ lỡ cơ hội được điều trị. Số ca lây nhiễm mới của HBV đang có chiều hướng giảm, do 84% trẻ sơ sinh trên toàn thế giới được tiêm vắc xin phòng ngừa ngay khi ra đời.
HCV chủ yếu lan truyền qua tiếp xúc trực tiếp với máu của người bị bệnh như dùng chung bơm kim tiêm, truyền máu, dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo, cắt móng tay có dính máu của người bệnh.
Khoảng 1,75 triệu ca nhiễm HCV mới trong năm 2015, đưa tổng số ca nhiễm trên toàn cầu lên tới 71 triệu người. Tuy nhiên, WHO cảnh báo 80% số người mắc bệnh này không biết mình bị nhiễm virus.
WHO đã làm việc với các chính phủ và các nhà sản xuất dược phẩm để cải thiện khả năng tiếp cận với thuốc điều trị của người bệnh. Nhiều quốc gia cũng đang áp dụng mức chi phí cho một lần xét nghiệm chẩn đoán viêm gan là 1 USD và thuốc điều trị HCV có thể dưới mức 200 USD.