Ký ức không nguôi
Thế giới và người dân Mỹ vẫn ám ảnh bởi ký ức kinh hoàng sau sự kiện khủng bố ngày 11/9 khi hai máy bay lao thẳng vào tháp đôi thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) cách đây gần 14 năm.
Ngày 11/9/2001, Osama bin Laden, tên khủng bố khét tiếng cầm đầu al-Qaeda, chỉ đạo 19 tay chân cướp 4 máy bay của các hãng hàng không thương mại Mỹ. Mục đích của chúng nhằm tấn công vào các địa điểm quan trọng của Mỹ như Lầu Năm Góc hay Trung tâm Thương mại Thế giới.
Sự kiện khủng bố ngày 11/9: Nỗi đau đáu của người Mỹ |
Tròn 14 năm sau vụ tấn công cướp đi gần 3.000 sinh mạng, trên đống gạch vụn và khoảng đất trống năm xưa, nhiều toà nhà chọc trời khác đã mọc lên xung quanh hai hồ nước lớn, vốn là vị trí của hai toà tháp xấu số kia.
Thế nhưng, khó có thể bắt gặp một nụ cười hay một nét mặt hân hoan tại nơi đã từng xảy ra vụ tấn công khủng bố cướp đi 3.000 sinh mạng.
Chiếc phi cơ bị không tặc kiểm soát lao vào tòa tháp thứ 2 của trung tâm thương mại thế giới hôm 11/9 |
Nhiều người đứng lặng yên đâu đó xung quanh thành của hai hồ nước hình vuông được ghép từ 16 tấm bảng bằng đồng khắc tên của 2.983 nạn nhân của vụ khủng bố ngày 11/9 và vụ đánh bom WTC năm 1993.
Hậu quả của vụ tấn công tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ
Vụ tấn công gây chấn động toàn nước Mỹ và thế giới. Nó để lại những hậu quả vô cùng lớn đối với cường quốc hàng đầu thế giới. Sau 14 năm, giới chức Mỹ vẫn chưa thể nhận dạng hơn 1000 nạn nhân trong vụ tấn công.
Lớp bụi từ hiện trường tháp đôi WTC chứa các hóa chất độc hại như amiang, chì, dioxin, PVC, thủy ngân,... cùng lượng khí chất thải của hàng trăm nghìn lít dầu diesel bốc cháy.
Theo ước tính, khoảng 90.000 người đã tiếp xúc với đám bụi độc này. Hơn 60.000 người vẫn đang phải theo dõi sức khỏe. Các quan chức y tế cho biết, khoảng 2.000 chẩn đoán ung thư liên quan đến sự kiện 11/9.
Nhóm người này chủ yếu làm việc trực tiếp tại hiện trường và trong thời gian dài như nhân viên y tế, nhân viên cứu hộ, các tình nguyện viên... Hầu hết vấn đề họ gặp phải là các căn bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Có thể nói, vụ khủng bố đẫm máu ngày 11/9 tại thành phố New York, Mỹ được xem là điểm khởi đầu của cuộc chiến chống khủng bố dường như không có hồi kết của Mỹ.
Về bản chất, lời tuyên chiến của Tổng thống Mỹ lúc đó là George W. Bush hồi tháng 10/9/2001 và của Tổng thống Barack Obama ngày 10/9/2014 đều cùng nhắm tới một mục đích: tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố.
Ngày 14/10/2001, Tổng thống Bush đã có bài phát biểu công bố một chiến dịch quân sự mang tên “Tự do bền vững” nhằm vào Afghanistan. Hai năm sau, ông Bush tiếp tục đưa quân tấn công Iraq.
Cả hai cuộc chiến mà Washington phát động là nhằm mục đích tiêu diệt tận gốc mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda.
Đúng 13 năm sau, một ngày trước dịp tưởng niệm những nạn nhân xấu số của vụ khủng bố 11/9, vào ngày 10/9/2014, Tổng thống Obama cũng có một bài phát biểu tương tự, trong đó nêu rõ:
“Chúng ta sẽ làm suy yếu, và cuối cùng là tiêu diệt lực lượng phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bằng một chiến lược chống khủng bố toàn diện và bền vững. Chúng ta sẽ săn đuổi những tên khủng bố, những kẻ đang đe doạ đất nước chúng ta, cho dù chúng ở bất cứ nơi nào. Điều đó có nghĩa là tôi sẽ không ngần ngại trong hành động chống lại IS ở Syria cũng như Iraq”.
Mặc dù vậy, bức tranh về cuộc chiến chống khủng bố trong 14 năm qua khá ảm đạm. Nguy cơ khủng bố vẫn hiện hữu và ngày càng trở nên nguy hiểm hơn không chỉ đối với nước Mỹ mà còn nhiều nước khác trên thế giới.
Nước Mỹ dù có kỷ niệm 20 năm, 50 năm và lâu hơn nữa sự kiện bị thương này thì khó có ai có thể quên đi những hình ảnh khủng khiếp ấy!
Trang Ly (T/h)
Xem thêm:
- Hồ sơ mật CIA: Bin Laden lên kế hoạch tấn công Mỹ ngày 11/9 như thế nào?
- [Hồ sơ] Abu Bakr al-Baghdadi - Trùm sỏ khủng bố của Nhà nước Hồi giáo IS