Một đoạn video do Taliban đăng tải trên mạng xã hội cho thấy các tay súng tiến vào sân bay sau khi chiếc máy bay quân sự Mỹ cuối cùng cất cánh một phút trước thời khắc nửa đêm, đánh dấu sự kết thúc của hai thập kỷ phương Tây can thiệp quân sự tại Afghanistan.
Các thủ lĩnh Taliban sau đó đã đi ngang qua đường băng, một hành động đánh dấu chiến thắng trước quân đội phương Tây. Trong khi đó, các tay súng khác treo cờ Taliban trên các hàng rào tại sân bay.
"Người lính Mỹ cuối cùng đã rời sân bay Kabul và đất nước chúng tôi đã giành được độc lập hoàn toàn", phát ngôn viên Qari Yusuf của Taliban cho biết.
Thiếu tướng Chris Donahue, tư lệnh Sư đoàn Dù 82 là người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Kabul. Ảnh: Reuters |
Cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ đã cướp đi sinh mạng của gần 2.500 binh sĩ và 240.000 người Afghanistan, tiêu tốn khoảng 2.000 tỷ USD.
Mặc dù nó đã thành công trong việc lật đổ chính quyền hà khắc Taliban và ngăn Afghanistan trở thành hang ổ của tổ chức khủng bố al Qaeda, nhưng kéo theo đó là sự sa lầy của quân đội Mỹ và NATO.
Theo ước tính của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, vẫn còn hơn 100 công dân Mỹ đã không kịp lên chuyến bay cuối cùng của quân đội.
Tổng thống Joe Biden vẫn bảo vệ quyết định của mình về việc tuân thủ thời hạn rút lui vào thứ Ba. Ông nói rằng thế giới sẽ buộc Taliban phải cam kết cho phép những người muốn rời khỏi Afghanistan được ra đi an toàn.
"Giờ đây, 20 năm hiện diện quân sự của chúng ta ở Afghanistan đã kết thúc", ông Biden nói và gửi lời cảm ơn lực lượng quân đội đã giúp sơ tán thường dân tại Kabul.
Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ đã sẵn sàng làm việc với chính phủ mới của Taliban nếu phong trào này không thực hiện các cuộc trả đũa chống lại các đối thủ trong nước.
"Taliban tìm kiếm sự hợp pháp và hỗ trợ quốc tế. Lập trường của chúng tôi là bất kỳ tính hợp pháp nào và sự ủng hộ sẽ phải xứng đáng", ông Blinken khẳng định.
Các thủ lĩnh Taliban giờ sẽ phải đối mặt với một loạt khó khăn sau khi lên nắm quyền. Phần lớn lượng dự trữ ngoại hối của chính phủ Afghanistan hiện đang bị đóng băng ở Mỹ.
Các ngân hàng đã thực hiện các biện pháp kiểm soát rút tiền, trong khi các công chức trên khắp đất nước cho biết họ đã không nhận được lương trong nhiều tháng.
Một trận hạn hán lớn cũng đã cắt giảm nguồn cung cấp lương thực của đất nước, khiến việc nhập khẩu của nước này càng trở nên quan trọng hơn và làm tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực.